Bảo tồn, quảng bá, khai thác bền vững các khu di sản thế giới của Việt Nam
Cập nhật: 26/01/2015
Ngày 24/1 tại tỉnh Ninh Bình, Hội nghị câu lạc bộ các khu di sản thế giới của Việt Nam đã diễn ra ghi nhận nhiều ý kiến quý báu trong công tác bảo tồn, quảng bá và khai thác bền vững các khu di sản thế giới của Việt Nam.
 

Hội nghị đã thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa cùng đại diện lãnh đạo 8 khu di sản thế giới của Việt Nam là vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ, Quần thể di tích cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị nêu bật cam kết tuân thủ việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý và bảo tồn di sản; đồng thời cho rằng cần tăng cường và mở rộng mối quan hệ hợp tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về mặt chuyên môn và hoạt động giao lưu giữa các cơ quan quản lý di sản ở Việt Nam với các cơ quan quản lý di sản của khu vực và thế giới, cùng hướng đến sự hội nhập một cách bền vững.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Giám đốc Quỹ hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa cho biết, nhằm thực hiện mục tiêu gắn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản với phát triển du lịch được cụ thể hóa trong chủ đề năm du lịch quốc gia 2015 là "Kết nối các miền di sản", Quỹ sẽ phối hợp với 8 khu di sản thế giới của Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động như: Hành trình kết nối các di sản, xuất bản sách về các di sản thế giới của Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu và cổng thông tin về các di sản thế giới trong đó có Việt Nam.

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu và nhiều đại biểu khác đều cho rằng, các địa phương nơi có di sản thế giới được UNESCO công nhận cần kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn, quảng bá và khai thác di sản một cách bền vững. Thời gian tới, lãnh đạo 8 khu di sản thế giới của Việt Nam cần thực hiện 4 việc làm cụ thể để thực hiện mục tiêu trên là: Tăng cường công tác bảo tồn; tiến hành đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thông thạo ngoại ngữ; chủ động tham gia hội nhập quốc tế và thực hiện tuyên truyền, quảng bá một cách chuyên nghiệp.

TTXVN