Thiên nhiên và con người Tiền Giang mang đặc trưng của nền văn minh sông nước Nam bộ, với những di tích văn hóa – lịch sử có giá trị như: Lăng Trương Định, chùa Vĩnh Tràng, đình Long Hưng, khu di tích cách mạng Ấp Bắc..., hàng năm, đã thu hút hang vạn lượt khách tham quan.
Cùng với xu thế phát triển du lịch trong khu vực và cả nước, khách du lịch đến với Tiền Giang năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, những năm gần đây, khách du lịch quốc tế đến với Tiền Giang với tốc độ bình quân 15%/năm. Với tốc độ tăng ổn định như vậy, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long thu hút du khách đến tham quan, du lịch nhiều nhất.
Với tiềm năng phong phú, đa dạng và nhu cầu du lịch ngày càng cao, tỉnh Tiền Giang đang phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp du lịch văn hóa trên cả 3 vùng sinh thái. Đó là vùng sinh thái nước ngọt, sinh thái ngập mặn và vùng sinh thái ngập phèn.
Du khách đến với Khu du lịch sinh thái Cù lao Thái sơn sẽ đắm say với vườn cây trái quanh năm 4 mùa đơm hoa kết trái. Cùng với đó, nhiều kênh rạch chạy đan xen tạo một không gian thoáng mát, yên lành, để rồi lắng nghe âm hưởng đàn ca tài tử với thưởng thức các loại trái cây đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo .v.v.v. Mỗi điểm tham quan du lịch, du khách hãy đừng quên uống trà mật ong và trò chuyện với người dân bản địa để cảm nhận một cách tinh tế sự kỳ diệu một vùng non nước Nam bộ.
Đến với khu du lịch chợ nổi Cái Bè, du khách được chứng kiến một nếp sống thương hồ của những cư dân sống bằng nghề mua bán trên sông từ thuở xưa, nay được tái hiện bằng hình ảnh của những chiếc thuyền, ghe chở đầy hoa trái. Ngoài những nét nhộn nhịp của không khí chợ, thì chợ nổi Cái Bè còn tiềm ẩn bên trong một tinh thần cộng đồng, hào phóng của cư dân vùng sông nước Mê Kông. Nối tour với chợ nổi Cái Bè, du khách đến với khu vườn trái cây để tận hưởng sự êm ả với không khí trong lành của miệt vườn, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt, cùng phương thức làm vườn của người dân cù lao Tân Phong; tham quan làng nghề truyền thống của cộng đồng dân cư sống ven sông với những nghề như làm bánh tráng, cốm, kẹo…và tham quan những ngôi nhà cổ đã tồn tại hàng trăm năm.
Vùng sinh thái ngập mặn có khu du lịch biển Tân Thành, du khách có thể tham quan các di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia với các lăng: Hoàng Gia, Đốc Phủ Hải, Trương Định…sau đó thưởng thức các món ăn đặc sản biển Tân thành và các dịch vụ nghỉ mát, tắm biển. Trong tương lai không xa, khu du lịch biển Tân Thành huyện Gò Công Đông với quy mô 80ha, sẽ nối tuyến du lịch này với khu du lịch biển Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh và bãi biển Vũng Tàu tạo thành một quần thể du lịch khép kín phục vụ du khách.
Còn vùng sinh thái ngập phèn, với khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười đang được đầu tư để tái hiện lại vùng rừng ngập phèn Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước có diện tích trung tâm là 100ha và vùng đệm là 1800ha rừng tràm. Đó là khu du lịch hệ sinh thái ngập phèn độc đáo ở Việt Nam, với những loài động, thực vật đặc hữu như: chăn, rùa, ong mật…và đặc biệt du khách sẽ được thưởng thức món ăn đặc trưng của vùng Nam bộ là cá lóc nướng, cá rô kho tộ. Việc phát triển du lịch sinh thái vùng ngập phèn kết hợp tham quan các di tích lịch sử các lăng mộ: Thủ khoa Huân, đình Long Hưng, di tích Ấp Bắc…đang được các nhà khoa học cũng như du khách thập phương trong và ngoài nước quan tâm.
Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và bề dầy về lịch sử văn hóa, tỉnh Tiền Giang đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của du khách. Việc khai thác hợp lý du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan di tích lịch sử văn hóa sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tiền Giang phát triển một cách bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời kỳ hội nhập.