Lào Cai nỗ lực chuẩn bị cơ sở hạ tầng du lịch
Cập nhật: 11/02/2015
Có thể nói, năm 2014 là năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng du lịch của Lào Cai. Rất nhiều tuyến đường, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển đã được đầu tư, xây mới.
 

Năm 2014, Lào Cai đã cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại một số vùng trọng điểm của tỉnh như đường Phéc Bủng - Cốc Ly (Bắc Hà), tuyến đường du lịch nối tỉnh lộ 153 đến thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai (Bắc Hà), tuyến đường du lịch Núi Ba mẹ con (Bắc Hà).

Đường du lịch từ thị trấn Sa Pa - Cát Cát, Sa Pa - San Sả Hồ; đường Thôn San II - Lao Chải đi Tả Van từ nguồn vốn ngân sách và hạ tầng du lịch quốc gia cũng được đầu tư, nâng cấp, qua đó đã thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái phát triển mạnh và bền vững.

Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã chính thức đi vào khai thác, góp phần thu hút và tăng nhanh lượng khách đến Sa Pa, Lào Cai trong thời gian tới.

Về phương tiện vận tải phục vụ khách du lịch, đến hết năm 2014 Lào Cai đã có 3 mác tàu với 20 toa dành cho khách du lịch.

Có 7 hãng xe khách chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai - Hà Nội (tăng 2 hãng so với năm 2013) và 3 hãng xe khách chạy tuyến liên tỉnh, cùng với 947 đầu xe ô tô các loại phục vụ vận chuyển khách du lịch tới các điểm du lịch, trong đó có 292 đầu xe vận chuyển khách tuyến không cố định, 495 đầu xe taxi, 160 đầu xe vận chuyển khách tuyến cố định.

Năm 2014 có 4 tuyến xe buýt (2 tuyến Lào Cai - Sa Pa - Lào Cai và 2 tuyến nội thành phố Lào Cai) với 26 đầu xe đi vào vận hành, đã rút ngắn thời gian đi lại cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến các điểm du lịch của Lào Cai, đồng thời cũng ngăn chặn được tình trạng ép giá, bắt chẹt, hành hung khách trên tuyến Lào Cai - Sa Pa.

Hiện, toàn tỉnh có 39 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện kinh doanh lữ hành; trên 515 cơ sở lưu trú với gần 5.000 phòng; hệ thống nhà hàng Âu, Á, dịch vụ ẩm thực dân tộc phát triển đa dạng, phong phú.

Hàng loạt khu vui chơi giải trí đã và đang được xây dựng và có một số đã hình thành như: Cáp treo Fansipan; Khu du lịch sinh thái Thanh Kim, Hàm Rồng, Cát Cát (Sa Pa); Hồ Na Cồ (Bắc Hà), công viên Nhạc Sơn; các khu tổ hợp dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, tắm thuốc dân tộc, dịch vụ mua bán hàng thổ cẩm…

Đặc biệt, năm 2014, một số các dự án khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng của các tập đoàn, tổng công ty lớn đã và đang được hoàn thành như: Khách sạn quốc tế Aristo; Khách sạn U Sa Pa của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Khách sạn Sapaly của Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Bitis).

Các dự án resort và khu vui chơi giải trí của Tập đoàn Sun group, Saigontourist, CTCP đầu tư Indochina, CTCP xây dựng số 2 - Bắc Nam, CTCP Bitexco ISC... cũng đang được gấp rút triển khai phục vụ khách du lịch.

Hệ thống nhà nghỉ cộng đồng khá phát triển: toàn tỉnh hiện có khoảng 120 cơ sở lưu trú tại gia.

Một trong những điểm yếu của điểm du lịch Việt Nam đó là cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp tăng trưởng khách du lịch. Câu chuyện ở Sầm Sơn, Hạ Long, Nha Trang, Cát Bà, Bái Đính mùa cao điểm chính là điển hình về sự quá tải về dịch vụ khiến chất lượng dịch vụ du lịch kém gây ra nhiều hệ lụy về xã hội.

Để có thể phát triển du lịch, phải có sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng về dịch vụ, cơ sở hạ tầng, đường xá.

Sự chuẩn bị của Lào Cai về hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú dịch vụ trên cho phép Lào Cai phục vụ số lượng khách lớn, nhiều đối tượng khách khác nhau cùng một lúc.

Việc chủ động đi trước đón đầu chính là một lợi thế, hứa hẹn bước phát triển mạnh mẽ của Lào Cai trong tương lai.

Chính Phủ