Thủ đô Hà Nội là trung tâm du lịch của cả nước và nguồn thu từ du lịch đóng góp một phần rất lớn cho ngân sách Thủ đô. Vì vậy, Hà Nội luôn coi trọng xây dựng hình ảnh đẹp, văn minh nơi công cộng, các điểm du lịch, gây ấn tượng mạnh cho du khách trong và ngoài nước.
Năm 2015, Hà Nội phát động xây dựng mô hình điểm “Môi trường không khói thuốc,” cụ thể như “Điểm du lịch không khói thuốc,” “Nhà hàng, khách sạn không khói thuốc,” “Cơ quan công sở không khói thuốc," nhất là những nơi trung tâm, tập trung đông người như khu vực phố cổ, trung tâm thương mại, bờ Hồ Hoàn Kiếm...
Thành phố chỉ đạo các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên đề, chuyên mục và các phóng sự chuyên sâu; hệ thống phát thanh của 584 xã, phường thường xuyên đọc các bản tin nói về tác hại của thuốc lá.
Sở Y tế Hà Nội mở thư mục riêng trên website của ngành để trao đổi, chia sẻ thông tin và cập nhật các văn bản, hoạt động về phòng chống tác hại thuốc lá. Tại các tuyến phố chính vào cửa ngõ Thủ đô; các quận, huyện, các cơ quan, trường học đều được treo pano và phát tờ rơi về các nội dung liên quan.
Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn về phòng chống thuốc lá trên diện rộng cho đông đảo cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, trường học, quận huyện; mạng lưới thanh tra viên; tuyên truyền viên tại 30 quận, huyện và 584 xã, phường về tác hại của việc hút thuốc lá, kế hoạch phòng chống đến năm 2020 và các văn bản liên quan.
Song song với đó, thành phố phát triển mạng lưới thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử phạt vi phạm; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán, kinh doanh, vận chuyển, nhập thuốc lá lậu và sử dụng thuốc lá.
Thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm tạo được sự chuyển biến tích cực và rõ nét; xây dựng các tiêu chí đánh giá để xét thi đua hàng năm; đồng thời tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá./.