Việt Nam - vẻ đẹp duyên dáng trải dài
Cập nhật: 10/11/2008
Báo Asien Kurier (Đức) ra cuối tháng 9/2008 có một loạt bài viết của hai tác giả Jan Noether, Trưởng phòng thương mại Đức tại Hà Nội và Axel Mierke ở Freiburg (Đức) đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong đó có phần nói về du lịch, đó là:

Từ lâu, Việt Nam đã là điểm du lịch tiềm ẩn cho nhiều du khách châu Á. Đất nước Việt Nam có những vùng danh thắng rất phong phú dọc bờ biển trải dài 3.200km và giờ đây đang thay đổi. Với 54 nhóm dân tộc, Việt Nam có một di sản quý báu về những nét sinh hoạt văn hóa và tôn giáo truyền thống.

Ngoài ra, phần lớn giới trẻ Việt Nam làm say đắm du khách bằng thái độ phục vụ tuyệt vời. Những ưu thế này cùng với chiến dịch đầu tư của ngành công nghiệp du lịch quốc gia và quốc tế sẽ đóng một “con dấu chất lượng lâu bền” trong tâm trí của du khách.

Ngành công nghiệp du lịch Việt Nam được thừa nhận và khuyến khích đúng mức kể từ năm 1986 khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách Đổi mới, mở cửa và là một ngành kinh tế nhiều hứa hẹn. Với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm 20% kể từ năm 1990, ngành công nghiệp không khói này là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, những đại diện có trách nhiệm trong ngành du lịch vẫn chưa hài lòng, bởi còn một khoảng cách lớn so với nước láng giềng Thái Lan, một quốc gia vượt trội về du lịch.

Một viên gạch nền móng cho phát triển du lịch là bãi bỏ hạn chế đi lại năm 1993. Trước đó, các quy định ngặt nghèo đã hạn chế tự do đi lại của du khách. Kết quả của quy định mới về đi lại đã được thể hiện một năm sau đó (1994), lần đầu tiên bức tường cản trở hàng triệu du khách đã được khai thông. Mặt khác, việc bãi bỏ chênh lệch giá cả du lịch vào năm 2002 giữa du khách trong nước và du khách ngoại quốc là viên gạch nền móng thứ hai đã có tác động trực tiếp: số du khách nước ngoài đã tăng lên hai triệu người.

Tiếp sau đó là quá trình xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở và tiềm năng về hệ thống khách sạn. Đáng chú ý là công cuộc cải cách kinh tế đã giúp tăng mạnh không chỉ lượng du khách ngoại quốc mà cả du khách nội địa. Tạp chí Du lịch Việt Nam mới đây cho biết số du khách nội địa tăng từ 1,5 triệu năm 1991 lên 17,5 triệu năm 2007, tăng gấp gần 12 lần.

Theo điều tra của tổ chức “VISA International” và “Pacific Asia Travel Association” (PATA), các lý do cơ bản thu hút du khách tới Việt Nam gồm:

49% cho rằng giá cả hợp lý của các tour dịch vụ du lịch.
44% cho rằng có nhiều danh thắng thiên nhiên đẹp.
41% cho rằng vì văn hóa Việt Nam.
38% cho rằng do yếu tố phiêu lưu mạo hiểm và nguyên sơ.
35% cho rằng do sự niềm nở mến khách của người Việt Nam.

Đa số du khách ngoại quốc đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Du khách từ một số nước trong khối ASEAN tới Việt Nam trong 30 ngày không cần thị thực, điều này tác động rất tích cực tới con số thống kê du lịch của Việt Nam. Mặc dù tiếp tục buộc phải có thị thực, nhưng du khách Đức rất quan tâm tới đất nước này. Trong năm tháng đầu năm nay, 42.000 du khách Đức (chiếm 2,38% số du khách ngoại quốc) đã tới Việt Nam, đứng thứ ba châu Âu, sau Pháp (4,31%) và Anh (2,48%).

Việt Nam có rất nhiều khách sạn từ 3 đến 5 sao. Hệ thống khách sạn Việt Nam có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác trên thế giới. Tầm nhìn mở rộng hoạt động ra ngoài phạm vi quốc gia sẽ có một ý nghĩa rất quan trọng cho quá trình phát triển tiếp tục của ngành công nghiệp du lịch Việt Nam. Việt Nam đã nhận ra điều đó và trở thành thành viên của các hiệp hội quốc tế quan trọng như: Hiệp hội PATA và Tổ chức du lịch thế giới “World Tourism Organization”.

Theo “World Travel and Tourism Council”, chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam từ năm 2006 đến 2015 sẽ là 7,7%. Du lịch nội địa năm 1990 đạt doanh thu chừng 100 triệu USD, nhưng năm ngoái (2007) đã tăng lên hơn 2 tỉ USD. Qua đó, ngành du lịch đã đóng góp 3,7% vào tổng sản phẩm xã hội. Việt Nam đang theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng như đến năm 2010 tăng tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong tổng sản phẩm xã hội là 6 đến 6,5%, ngang bằng với Thái Lan, nghĩa là đến năm 2010, doanh thu ngành du lịch Việt Nam sẽ đạt 4,5 đến 5 tỉ USD và 1,4 triệu cán bộ nhân viên ngành du lịch sẽ đón sáu đến tám triệu du khách nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam dự định đầu tư khoảng 6 tỉ USD cho ngành công nghiệp du lịch. Chính phủ cho biết, số tiền đó sẽ chi vào việc tiếp thị quảng bá du lịch và xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ cho du lịch.
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần