Ngày 14/11/2008, tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai), tám tỉnh miền núi Tây Bắc là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình đã tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng.
Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định: Hợp tác khu vực phải lấy Sa Pa làm trung tâm, vì Sa Pa là một trong 4 trọng điểm du lịch của miền Bắc. Đồng thời, Sa Pa đã có kinh nghiệm làm du lịch nên vai trò chủ đạo của Sa Pa trong mối liên kết vùng là rất quan trọng.
Hội nghị cũng nêu rõ hạn chế lớn nhất của du lịch khu vực này là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông từ Hà Nội đến các tỉnh Tây Bắc. Chính vì vậy, tiềm năng du lịch là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người vốn rất hấp dẫn du khách nước ngoài, chưa được khai thác hiệu quả.
Hội thảo đã phân tích, đánh giá tiềm năng du lịch của mỗi tỉnh và cả khu vực Tây Bắc. Trên cơ sở đó, các địa phương thống nhất về cơ chế, chính sách quản lý; phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, nhằm nâng cao sức cạnh tranh, không chồng chéo; phát triển nguồn nhân lực du lịch và phối hợp tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, khai thác và mở mới các tuyến du lịch theo hướng kết nối, liên hoàn.
Cụ thể, các tỉnh sẽ xây dựng và phát triển các tua, tuyến du lịch đặc trưng của mỗi địa phương để kết nối vào chương trình du lịch khung, tạo thành hệ thống tuyến du lịch khu vực Tây Bắc liên hoàn hấp dẫn du khách; tạo điều kiện thông thoáng cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác, phát triển du lịch; liên kết tổ chức quảng bá sản phẩm, điểm đến và tiếp thị cho thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Hội nghị cũng đề nghị hãng hàng không quốc gia Việt Nam tăng cường hơn nữa quảng bá tiềm năng du lịch khu vực Tây Bắc như đã làm rất tốt với chương trình du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.
Sau phần thảo luận, đại diện 8 tỉnh trong khu vực đã thống nhất và ký biên bản thoả thuận hợp tác phát triển du lịch khu vực Tây Bắc mở rộng.
Biên bản dựa trên nguyên tắc tự nguyện, song phương, đa phương theo 4 nhóm nội dung chính: Hợp tác xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương; Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; Hợp tác tuyên truyền, quáng bá, xúc tiến du lịch; Hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương.
Trưởng Ban chỉ đạo hợp tác khu vực Tây Bắc mở rộng sẽ luân phiên từng năm. Năm 2009, đồng chí Bùi Thị Kim Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai làm trưởng ban.
Cũng tại hội nghị, sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch hai tỉnh Lào Cai, Hà Giang đã ký biên bản thoả thuận hợp tác phát triển du lịch Lào Cai và Hà Giang.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Trần Chiến Thắng hoan nghênh sáng kiến của Lào Cai về ý tưởng tổ chức hội nghị liên kết này và sự ủng hộ tích cực của các tỉnh trong khu vực.
Đồng chí Trần Chiến Thắng lưu ý: Để triển khai tốt, hiệu quả các cam kết, 8 tỉnh cần thống nhất các quy định sao cho đồng bộ về cách quản lý dân cư, quản lý đi lại, các loại phí; thống nhất chính sách kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng; thống nhất quy hoạch du lịch, văn hoá theo hướng bổ trợ lẫn nhau, xác định các tua, tuyến du lịch rõ ràng để các công ty lữ hành có thể xây dựng sản phẩm của mình.