Từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô không chỉ có ưu thế về du lịch văn hóa, lịch sử mà còn thêm cả tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
|
Ngôi nhà cổ 250 tuổi tại Đường Lâm |
Những làng cổ ngoại thành, các xã miền núi Ba Vì được coi là nền tảng tốt để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Thủ đô.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, dù ngành du lịch Thủ đô ít nhiều đã dành sự quan tâm nhưng sản phẩm này hoặc mới dừng ở mức sơ khai, hoặc đang trên bước đường hình thành.
Du lịch cộng đồng - Nhìn từ các địa phương khác
Mô hình nông dân làm du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã tạo ra một sản phẩm du lịch đặc biệt hấp dẫn đối với bất cứ du khách nào khi đến đây. Du khách tham gia du lịch cộng đồng nơi đây không chỉ được khám phá cuộc sống sinh hoạt người dân Đất Mũi, ăn những bữa cơm do chính gia đình nấu mà có thể được lưu trú lại, được trải nghiệm câu cá, bắt cua, đi xuồng ghe thăm rừng…
Gia đình anh Nguyễn Văn Nhuần, ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là một trong 20 hộ làm du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết trung bình mỗi ngày, gia đình anh đón khoảng 30 - 40 khách đến tham quan, ăn uống.
Làm du lịch từ tháng 7/2013 đến nay, thu nhập của gia đình đạt trên 300 triệu đồng. Không những thế, mô hình du lịch cộng đồng gia đình anh Nhuần còn giải quyết việc làm cho anh chị em trong họ hàng, tiêu thụ thủy hải sản cho bà con trong vùng với giá cao.
Là doanh nghiệp đang quan tâm đến du lịch cộng đồng, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị và Truyền thông, Công ty Du lịch Vietravel cho biết: “Trong sản phẩm du lịch truyền thống thăm đất Mũi, Vietravel còn có sản phẩm đi sâu khám phá rừng U Minh, du lịch sinh thái cộng đồng của người dân địa phương để du khách có thêm nhiều trải nghiệm, gắn bó với sinh hoạt đời sống của người dân nơi này. Hiện, rất nhiều du khách ưa thích loại hình du lịch cộng đồng này”.
Thực tế, nhiều địa phương trong cả nước phát triển du lịch cộng đồng rất hiệu quả. Ví dụ như, huyện Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), làng cổ Phước Tích (Huế)… Hay xa hơn, nhiều quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực cũng quan tâm đến du lịch cộng đồng. Bởi không đơn thuần là một sản phẩm du lịch, loại hình này còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Hanoi RedTours chia sẻ: “Phát triển du lịch cộng đồng được nhiều quốc gia quan tâm từ lâu với những chiến lược cụ thể. Một trong những giải pháp được họ coi trọng là nâng cao nhận thức về du lịch cho người dân và chính quyền, vừa phát triển du lịch bền vững, vừa tạo ra sản phẩm du lịch dài hạn”.
Mới đây, Hanoi RedTours phối hợp với Vietnam Airlines xây dựng tour du lịch Thượng Hải - Tô Châu - Tây Đường - Hàng Châu - Nghĩa Ô với điểm đến mới là Tây Đường. Tây Đường chính là thị trấn sông nước cổ phát triển tốt loại hình du lịch cộng đồng.
Đa phần các hộ dân chuyển ra nơi khác sinh sống, còn các căn nhà cổ dành làm nơi bán hàng hóa hoặc cho thuê lưu trú, vừa phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, vừa bảo tồn tốt thị trấn cổ. Chính sự tổ chức và quản lý tốt, thời gian cao điểm, thị trấn này đón từ 20 - 30 nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày.
Cần tạo đà cho du lịch cộng đồng ở Hà Nội
Khi nói đến du lịch cộng đồng ở Hà Nội, có thể kể đến làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) và các xã miền núi huyện Ba Vì. Tuy vậy, mô hình du lịch cộng đồng tại làng cổ Đường Lâm mới đang ở mức đơn giản; còn du lịch cộng đồng tại các xã miền núi đang xúc tiến hình thành. Như vậy, loại hình du lịch cộng đồng vẫn là khái niệm mới mẻ đối với du khách khi đến Thủ đô.
Tại làng cổ Đường Lâm, Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp cùng Tổ chức JICA Nhật Bản đầu tư cho 10 gia đình cải tạo nhà cổ phục vụ mục đích đón khách du lịch. Các gia đình vẫn giữ nguyên các cấu trúc nhà cổ, trình diễn một số nghề thủ công truyền thống, phục vụ ăn uống và lưu trú. Hiện các gia đình này cải tạo được khoảng 30 phòng đón khách lưu trú.
Đặc biệt, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm phối hợp với một số cơ quan liên quan xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp như một ngày làm nông dân, làm bánh kẹo truyền thống, bắt cá…
Một mặt, hai đơn vị này còn hướng dẫn bà con cách thức làm du lịch cộng đồng, từ giao tiếp với khách, chế biến ẩm thực, bán hàng hóa, hướng dẫn khách tham quan... Dù vậy, lượng khách lưu trú qua đêm tại nhà dân còn rất ít, các tour du lịch ở đây chưa có nhiều khách tham gia.
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho rằng: “Du khách đến làng cổ Đường Lâm chủ yếu là tham quan trong ngày, vì vậy nguồn thu từ du lịch ở đây chưa cao. Chúng tôi đang cố gắng để một khách du lịch làm ra cho Đường Lâm một “tạ thóc”, gồm vé tham quan, ăn uống, mua sắm”.
Du lịch cộng đồng cũng xuất hiện ở một số nơi tại huyện Ba Vì, xong việc phát triển mới ở mức sơ khai và tự phát. Người dân và chính quyền địa phương còn lúng túng trong cách thức tạo các sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững và bảo tồn các nguồn tài nguyên quý giá của vùng, địa phương.
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đang hoàn thiện đề án phát triển du lịch cộng đồng khu vực Ba Vì, trọng tâm là xây dựng tại các xã Ba Vì, Ba Trại và Vân Hòa. Mục tiêu của đề án, phát triển du lịch cộng đồng ở Ba Vì không theo hướng đại trà mà xác định hướng phát triển riêng của từng xã để phát huy được nét đặc thù của địa phương.
Vì thế, tại xã Vân Hòa sẽ xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế phát triển đàn bò sữa, tại xã Ba Trại là trồng chè, tại xã Ba Vì là trồng và chế biến thuốc Nam của người Dao. Ngoài tham quan các thắng cảnh của địa phương, du khách có thể trực tiếp trải nghiệm các hoạt động sản xuất của người dân bản địa, tham gia các sinh hoạt văn hóa của người Mường, người Dao. Hiện tại, chính quyền và người dân huyện Ba Vì đang mong muốn đề án được hoàn thiện, sớm triển khai để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù của Ba Vì.
Vấn đề đặt ra, để cho du lịch cộng đồng phát triển, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần sớm triển khai với những chiến lược, sách lược cụ thể và một cơ chế đủ mạnh. Điều quan trọng, Hà Nội đang cần đa dạng sản phẩm du lịch để hút khách thì những giải pháp đã được xác định, cần có sự đầu tư và thực hiện bài bản.