Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hướng tới du lịch có trách nhiệm
Cập nhật: 08/04/2015
(TITC) - Di sản văn hóa luôn được coi là tài nguyên du lịch quan trọng, yếu tố không thể thiếu trong nhiều chương trình du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác các di sản văn hóa trong hoạt động du lịch phải đảm bảo tăng trưởng du lịch nhưng không để lại những hậu quả tiêu cực cho văn hóa và môi trường bản địa. Vậy làm thế nào để cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản văn hóa? Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Du lịch có trách nhiệm và Di sản văn hóa” diễn ra ngày 3/4/2015 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2015. 

Di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế

Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. Hiện nay, cả nước có 30 vườn quốc gia, rất nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, khu danh thắng nổi tiếng và khoảng 40.000 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong số đó UNESCO công nhận 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được, 7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, 4 di sản tư liệu; trên 2.800 di tích được xếp hạng quốc gia cùng hàng nghìn lễ hội đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc anh em với những sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc.

Các chuyên gia tham dự hội thảo

Theo TS. Dương Bích Hạnh, Trưởng ban Văn hóa thuộc Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, hệ thống các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch trong chiến lược của quốc gia nói chung và của các tỉnh, doanh nghiệp du lịch nói riêng. Việc phát triển du lịch văn hóa ở địa phương góp phần phục hồi và bảo tồn di sản, mang lại lợi ích kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng sống tại các khu di sản hoặc xung quanh khu di sản; đồng thời tăng cường đối thoại trao đổi giữa các nền văn hóa, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương có những hiểu biết về di sản đó. Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính 37% du lịch toàn cầu xuất phát từ động lực mong muốn tìm hiểu văn hóa. Khách du lịch di sản văn hóa đi thăm nhiều nơi hơn gấp 2 lần những khách du lịch khác, ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và họ cũng chi tiêu nhiều hơn. Đây cũng là điều mà Việt Nam muốn hướng đến trong chiến lược phát triển du lịch.

Song song với việc khai thác và phát triển du lịch, bà Dương Bích Hạnh cũng nhấn mạnh đến việc bảo tồn các khu di sản để tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, mà một trong số đó là lo ngại cộng đồng địa phương sẽ đánh mất bản sắc văn hóa của mình. Mặt khác, đối với những di sản vật thể, những di tích, công trình khảo cổ, chúng ta cũng cần có kế hoạch bảo vệ và trùng tu, tránh gây ảnh hưởng hư hại lên bề mặt di sản.

Ông Kai Partale - Chuyên gia của Dự án EU-ESRT phát biểu tại hội thảo

Trong bài tham luận tại hội thảo, ông Kai Partale, Chuyên gia của Dự án EU-ESRT, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kết nối chặt chẽ giữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các nguyên tắc và hoạt động du lịch có trách nhiệm để mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài cho ngành Du lịch. Du lịch có trách nhiệm là khám phá vẻ đẹp tự nhiên và di sản văn hóa đồng thời không để lại những tác hại tiêu cực lên các điểm di sản. Chuyên gia Kai cho rằng Việt Nam có một nền văn hóa đậm đà và đa dạng, vừa mang tính lịch sử vừa hiện đại với những thành phố sôi động và làng quê độc đáo, nơi có những nhóm người dân tộc thiểu số vẫn đang sống theo phương thức sinh hoạt truyền thống. Du lịch Việt Nam cần đến những kỹ năng để hiểu và truyền tải những tài sản văn hóa này một cách nguyên bản và lôi cuốn. Bên cạnh đó, để các di sản văn hóa thực sự hấp dẫn khách du lịch, Việt Nam cần phải xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề, mang đậm tính văn hóa; đồng thời ưu tiên hàng đầu cho công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam qua các công cụ thông tin trực tuyến.  

Phát triển du lịch có trách nhiệm là một trong những giải pháp trụ cột nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững. Quan điểm chủ đạo này đã được đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc…”. Thực hiện quan điểm phát triển này, toàn ngành Du lịch đã và đang tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm đảm bảo cho phát triển du lịch đồng thời tạo động lực và nguồn lực cho bảo tồn di sản văn hóa và bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận, bao gồm: quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994, 2000), Đô thị cổ Hội An (1999), Khu đền tháp Mỹ Sơn (1999), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (2003), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (2010), Thành nhà Hồ (2011) và Quần thể danh thắng Tràng An (2014). Bên cạnh đó còn có 7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Huế (2008), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2008), Quan họ Bắc Ninh (2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ (2013), Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014); 2 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp gồm: Ca trù (2009) và hát Xoan Phú Thọ (2011); 4 di sản tư liệu: Mộc bản triều Nguyễn (2009), bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê và Mạc (2011), Mộc bản kinh phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Châu bản triều Nguyễn (2014).

Bài: Phạm Phương; ảnh: Thế Phi