Cao nguyên đá Đồng Văn mang trong mình những giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo, thực vật và đặc biệt là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính vì vậy, năm 2010 Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, và là Công viên địa chất toàn cầu duy nhất được công nhận ở Việt Nam. Trong giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn, không thể không kể đến kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông (dân tộc chiếm gần 80%) dân số của Cao nguyên. Kiến trúc nhà với tường trình bằng đất, mái lợp ngói âm dương, tường rào đá…, nó thể hiện sự sáng tạo của con người để thích nghi với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt vùng Cao nguyên. Ngoài ra, qua kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông còn thể hiện đậm nét cuộc sống tâm linh, quan niệm sống, tín ngưỡng của đồng bào.
Nhưng ngày nay cùng với xu thế hội nhập và phát triển, đời sống kinh tế người dân ngày càng được nâng cao, cùng với đó nhu cầu đòi hỏi một cuộc sống, điều kiện sinh hoạt tốt hơn đang là một tất yếu không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, sự du nhập các nét văn hóa từ bên ngoài vào làm thay đổi, biến dạng một số nét văn hóa truyền thống như trang phục quần áo, kiến trúc nhà của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn ngày một lớn.
Việc mất đi những nếp nhà truyền thống, thay vào đó trên Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng nhiều những ngôi nhà xây bằng gạch, mái lợp prôximăng hay lợp tôn đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến không gian văn hóa của toàn Cao nguyên. Do vậy, việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt là bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Hơn thế nữa, một trong những yếu tố để Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu, đó chính là văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng người dân sinh sống ở đó - trong đó có kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Ngoài ra, một trong những hình ảnh để Cao nguyên đá Đồng Văn được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết và nhớ tới, đó chính là những ngôi nhà truyền thống với tường trình đất, mái lợp ngói âm dương quây quanh là những bờ rào được xếp bằng đá nằm cheo leo trên những triền núi đá hay trên những lưng đồi.
Để những giá trị về văn hóa, không gian văn hóa trên Cao nguyên đá Đồng Văn mãi trường tồn, việc xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch để bảo tồn những ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng là một việc làm cấp thiết, rất cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương, để Cao nguyên đá Đồng Văn mãi là mảnh đất mang trong mình bản sắc văn hóa độc đáo, riêng có và mãi là “Điểm hẹn nơi cực Bắc” của Việt Nam.