Khởi động từ tháng 10/2014, chương trình du lịch về nguồn ở Tân Yên (Bắc Giang) đã trở thành mô hình mẫu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, đồng thời mở ra những triển vọng mới cho phát triển du lịch, giáo dục truyền thống của địa phương.
Ngày cuối tuần ý nghĩa
Tháng 1 vừa qua, Trường THPT Nhã Nam tổ chức chương trình du lịch về nguồn, làm lễ dâng hương và kết nạp 85 đoàn viên mới tại đình Yên Lý, xã Phúc Sơn (nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Thế, tiền thân của Đảng bộ huyện Tân Yên ngày nay). Nhân dịp này, Đoàn trường phối hợp với Đoàn xã Phúc Sơn tổ chức hoạt động tình nguyện giữ gìn vệ sinh khu di tích, và cảnh quan thôn Yên Lý, tặng quà cho Ban quản lý đình làng và 3 gia đình có công với cách mạng của thôn Yên Lý. Bà Nguyễn Thị Thanh Lương, hướng dẫn viên Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện cho biết: Đây là lần thứ hai trường tổ chức chương trình với sự tham gia của hàng trăm học sinh. Trước đó vào tháng 10/2014, nhà trường đã tổ chức cho hàng chục học sinh có thành tích học tập tốt đi dã ngoại tại nhiều di tích trong huyện như: Đình Hả, xã Tân Trung; đình Yên Lý, núi Đót và mộ phần bà Dương Thị Giã, xã Phúc Sơn - tương truyền là nữ tướng thời Hai Bà Trưng; di tích Quốc gia đặc biệt Đình chùa Vồng (xã Song Vân) và Nhà truyền thống huyện Tân Yên. Tại mỗi điểm đến, học sinh được tham quan, nghe hướng dẫn viên và giáo viên giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất và di tích. Cũng từ đây, chương trình ngày càng lan tỏa, trở thành phong trào rộng trong huyện.
Trường tiểu học thị trấn Cao Thượng đã tổ chức được 2 chuyến du lịch về nguồn cho gần 300 học sinh đến các di tích lịch sử trong huyện và trong tỉnh vào những ngày cuối tuần. Lần đầu, các em được tham quan nhiều di tích lịch sử như: Đình Yên Lý, đình, chùa Vồng; đình chùa Tràng và kết thúc hành trình ở Nhà truyền thống của huyện. Trong hành trình này, thầy cô và học sinh đã thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng quà cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại xã Song Vân. Lần thứ hai các em được trải nghiệm với nghề làm gốm ở làng Ngòi, xã Tư Mại và Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng và chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng). Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A của trường cho biết: Du lịch về nguồn không chỉ giúp học sinh vui chơi mà còn bổ trợ cho các bài giảng trên lớp, được các em háo hức chờ đón. Cũng theo cô Nga, kinh phí tổ chức các buổi dã ngoại không lớn, một phần do học sinh tự đóng góp, phần khác do nhà trường hỗ trợ. Ngoài ra huyện hỗ trợ về hướng dẫn viên, xây dựng hành trình khoa học, đến mỗi nơi Ban quản lý di tích tạo điều kiện giúp đỡ nhiệt tình.
Nhân rộng đối tượng
Với thông điệp “Người Tân Yên hiểu lịch sử, văn hóa quê hương”, chương trình du lịch về nguồn được sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành văn hóa và giáo dục huyện, đã đem lại những hiệu ứng khá tích cực, bước đầu được đánh giá là thành công và sẽ được nhân rộng. Đến nay chương trình đã có 7 trường học với gần 1 nghìn học sinh tham gia. Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Xét về mặt bằng chung của tỉnh Bắc Giang, Tân Yên không phải là địa phương có thế mạnh để phát triển du lịch. Chính vì vậy, du lịch về nguồn là một trong những giải pháp với kinh phí không lớn, thời gian ngắn (đi trong ngày), giúp cho nhiều người được biết về lịch sử văn hóa của quê hương, qua đó khơi dậy và giáo dục truyền thống, góp phần thu hút khách đến với Tân Yên. Hiện huyện đã xây dựng được 3 tuyến du lịch chính kết nối giữa các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong huyện, đồng thời đang mở thí điểm liên kết tới một số di tích, danh lam trong tỉnh. Đối tượng của chương trình chủ yếu hướng tới là giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, theo ông Tuyển, ngành văn hóa huyện đã xây dựng xong văn bản trình UBND huyện phê duyệt, trong đó đối tượng tham gia sẽ được mở rộng gồm cả cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện.
Để chương trình du lịch về nguồn thực sự trở thành điểm sáng, thời gian tới Tân Yên sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên, phương pháp tổ chức đoàn du lịch cho cán bộ cấp xã và ban quản lý di tích cơ sở; ưu tiên kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ lưu trú, vui chơi, giải trí; hỗ trợ người dân phát triển các nghề thủ công, sản xuất đặc sản của địa phương.