Bà Rịa - Vũng Tàu giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, du lịch về nguồn với 44 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 30 di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh. Việc phát huy giá trị hệ thống các di tích là một lợi thế trong phát triển du lịch địa phương.
Nói đến hệ thống di tích lịch sử tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tiên phải kể đến Hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo. Đây là Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, được xem như là “bàn thờ lớn”, thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày nay, đến tham quan hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo, ngoài việc trải qua cảm giác sống trong “địa ngục trần gian”, hiểu rõ sự gian khổ, kiên cường của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng, du khách còn được tận hưởng một không gian “thiên đường” trong lành, yên bình, hoang sơ, cổ kính.
Bà Phạm Thị Tám, Phó Ban quản lý di tích Côn Đảo cho biết, những năm gần đây, khách đến Côn Đảo hành hương, tham quan, tìm hiểu về truyền thống đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ yêu nước tại các di tích: Phú Hải, chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ, nhà Chúa đảo, Sở Lò Vôi, viếng nghĩa trang Hàng Dương… rất đông nên BQL di tích Côn Đảo đã mở thêm 3 điểm đăng ký tham quan.
Nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng, ngày 8/10/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo năm 2015. Theo đó, có 20 hạng mục như: Sở Củi, nhà Chúa đảo, trại Phú Tường, trại Phú Bình, cầu Ma Thiên Lãnh, Cầu tàu 914… sẽ được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 36 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục đầu tư hơn 91 tỷ đồng đầu tư, tôn tạo các hạng mục tại Nhà tù Côn Đảo.
Ngoài Hệ thống di tích Nhà tù Côn Đảo, trong giai đoạn 2011 - 2015, UBND tỉnh đã đầu tư 26 tỷ đồng cho các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhờ đó, những di tích lịch sử như: Căn cứ Minh Đạm, Đền thờ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu, di tích Dốc Cây Cám (huyện Đất Đỏ), địa đạo Hắc Dịch (huyện Tân Thành), địa đạo Long Phước (TP. Bà Rịa)… đã được quan tâm, đầu tư, tạo thành những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân địa phương. Đây cũng là những địa điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử - văn hóa hấp dẫn, được nhiều đơn vị lữ hành khai thác tour phục vụ khách trong và ngoài nước. Ông Dương Văn Thanh, Phó BQL di tích Đất Đỏ cho biết, những năm gần đây, tại cụm công viên, tượng đài, đền thờ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và căn cứ Minh Đạm đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, tổ chức lễ kết nạp Đảng, Đoàn.
Ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở VHTTDL cho rằng, các di tích lịch sử, danh thắng chỉ thực sự có sức sống, phát huy giá trị lịch sử, văn hoá khi được gắn kết với du lịch. Thông qua du lịch, giá trị của di tích sẽ được gìn giữ, phát huy. Ngược lại, khi phát triển du lịch trên nền tảng giá trị lịch sử, văn hoá của di tích thì sẽ tạo nguồn thu để khôi phục, tu bổ, tôn tạo di tích. Vì vậy, trong năm 2015, Sở sẽ đẩy nhanh triển khai kế hoạch trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa và tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch về nguồn của địa phương nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.