Cùng với quá trình phát triển của du lịch tâm linh, An Giang đang đầu tư phát triển các loại hình du lịch văn hóa. Trong đó, du lịch văn hóa Chăm thu hút sự quan tâm rất lớn của du khách.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người Chăm vẫn bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống trong công cuộc định cư tại vùng đất mới. Quá trình chung sống gắn bó hàng thế kỷ với các cộng đồng dân tộc khác tại An Giang không ảnh hưởng nhiều đến phong tục tập quán của đồng bào Chăm. Với những giá trị văn hóa độc đáo, các làng Chăm đang thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, nhất là khách du lịch nước ngoài.
Các địa điểm được chọn để phát triển du lịch là làng Chăm Đa Phước (An Phú) và làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu). Với những ngôi thánh đường kỳ vĩ soi bóng bên dòng sông Hậu hiền hòa, các làng Chăm này luôn cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp mang đậm màu sắc văn hóa. Khi đến với làng Chăm, du khách sẽ có dịp thưởng thức những món ăn truyền thống, những tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Nhằm đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, các đơn vị đã tổ chức hình thức du lịch homestay, tạo điều kiện để du khách tìm hiểu sâu hơn đời sống văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Chăm.
Khi du lịch phát triển cũng là lúc người dân làng Chăm có điều kiện cải thiện cuộc sống. Nhiều gia đình trở nên khấm khá hơn nhờ vào các dịch vụ du lịch.
Tuy có những bước phát triển khả quan trong những năm gần đây nhưng dịch vụ du lịch văn hóa Chăm vẫn gặp khó khăn nhất định. Đa số người Chăm vẫn chưa có điều kiện tiếp cận với việc làm du lịch nên chưa thực sự chủ động trong việc đáp ứng các nhu cầu của du khách.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Trung tâm Du lịch Nông dân mở các lớp đào tạo những hộ có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia vào loại hình du lịch homestay. Đồng thời, tìm kiếm thêm nguồn nhân lực phục vụ các tiết mục văn nghệ truyền thống của đồng bào Chăm, phục vụ bán hàng tại các quầy hàng lưu niệm thông qua giới thiệu của địa phương”.
Hiện nay, việc đầu tư phát triển du lịch tại các làng Chăm luôn được chú trọng. Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện An Phú đang thực hiện đề án phát triển du lịch tại làng Chăm Đa Phước. Thời gian qua, phụ nữ dân tộc Chăm trên địa bàn xã Đa Phước đã được đào tạo các lớp thêu thủ công dưới sự hướng dẫn của Hợp tác xã thêu may Kim Chi (TP. Long Xuyên). Đây là điểm mới, tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho người dân.
Với những dấu hiệu tích cực trong những năm gần đây, du lịch văn hóa Chăm hứa hẹn sẽ đạt được những bước tiến mới. Đây là điều kiện cho cộng đồng người Chăm cải thiện kinh tế, đồng thời bảo tồn và phát huy được truyền thống văn hóa của mình.