Các nước Tiểu vùng sông Mê Kông hợp tác phát triển nguồn lực du lịch
Cập nhật: 01/06/2015
Với những lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa… từ năm 1992, các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Kông (Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam) đã có sự hợp tác trong khai thác phát triển du lịch, nhưng còn hạn chế như bảo vệ môi trường, hiệu quả khai thác tiềm năng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… chưa đáp ứng yêu cầu.

Du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2015.

Là ý kiến của nhiều đại biểu khi tham dự hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn lực du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông” do Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Đại học SilPakorn (TháiLan), Học viện Cán bộ TP.HCM và Tổng Công ty Du lich Sài Gòn phối hợp tổ chức ngày 29/5 tại TP.HCM.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội thảo, Việt Nam cũng như các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, có nguồn lực du lịch rất phong phú, đa dạng , tạo sức hấp dẫn đối với khách du lịch trên toàn thế giới. Đặc biệt nguồn lực tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực di sản văn hóa đã trở thành yếu tố then chốt trong khai thác, phát triển du lịch. Du lịch đã, đang đóng góp 5,8% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo gần nửa triệu việc làm, chiếm 2,4% tổng số lao động trong nước và hơn 50% của tổng xuất khẩu ngành dịch vụ” ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Ths. Hoàng Hồng Hạnh, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông đang tồn tại những hạn chế như: sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn, chưa tạo được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia. Thiếu các sản phẩm cao cấp, nguy cơ phát triển quá mức ở một số vùng dẫn đến thiếu kiểm soát về chất lượng dịch vụ. Liên kết vùng, liên kết quốc gia trong ngành, ngoài ngành để phát triển du lịch chưa được chú ý.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, mỗi năm Việt Nam đón tiếp hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch đóng góp hơn 13% cho GDP quốc gia. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn. Những năm gần đây, ngành du lịch có khoảng 500.000 lao động trực tiếp và trên một triệu lượt lao động gián tiếp. Dự báo, năm 2015 cần khoảng 620.000 lao động và năm 2020 cần khoảng 870.000 lao động trực tiếp để đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành du lịch.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Huỳnh Thị Gấm, Học viện Chính trị Khu vực II, nguồn nhân lực ngành du lịch hiện có nhu cầu rất lớn, tuy nhiên ở một số nước, trong đó có Việt Nam cả số lượng và chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của công việc và chuẩn mực quốc tế.

Vì thế, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông cần có nhiều giải pháp thiết thực cho việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực như: tăng cường các hoạt động nghiên cứu sản phẩm, thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh về sản phẩm du lịch gắn với việc phát huy các giá trị di sản văn hóa; hợp tác quốc tế, liên kết quốc gia trên cơ sở phối hợp khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, kiến thức quản lí và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch cho lực lượng quản lí và lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch thông qua các chương trình hợp tác trao đổi sinh viên ngành du lịch giữa các quốc gia trong tiểu vùng…

Báo Hải quan