Duyên hải Nam Trung Bộ phấn đấu đón 14 triệu du khách vào 2020
Cập nhật: 08/06/2015
Định hướng phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Tổng cục Du lịch xác định khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển du lịch biển, đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam. Đồng thời, sẽ đầu tư xây dựng các đô thị du lịch hiện đại, các khu, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp.
 

Phấn đấu đến năm 2020, du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam.

Đến năm 2020, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ phấn đấu thu hút khoảng 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 4,5 triệu lượt. Đến năm 2030, vùng thu hút khoảng 25 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 7,5 triệu lượt.

Dựa vào các căn cứ, dự báo mức tăng trưởng của du lịch vùng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng để phát huy các yếu tố thuận lợi của vùng cũng như bảo đảm tính khả thi cao, cần phát triển đồng thời du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.

Trong số đó lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn và du lịch văn hóa với hạt nhân là các giá trị văn hóa Chămpa, Sa Huỳnh, văn hóa các dân tộc Đông Trường Sơn, văn hóa dân cư vùng viển và các di tích gắn với lịch sử chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch đặc thù cho vùng và cho từng địa phương trong vùng.

Theo phương án này, từ nay đến năm 2030, vùng đầu tư phát triển 3 đô thị là Đà Nẵng, Nha Trang và Phan Thiết trở thành các đô thị du lịch hiện đại; trùng tu, tôn tạo đô thị cổ Hội An thành đô thị du lịch văn hóa điển hình…

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và định hướng quy hoạch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiến cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu, điểm du lịch quốc gia và các khu du lịch quan trọng khác trên địa bàn vùng theo quy hoạch, đặc biệt đối với những khu vực còn khó khăn, kém phát triển, khu vực hải đảo... để tạo động lực phát triển du lịch cho toàn vùng.

Các địa phương đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt các trục đường bộ liên vùng và các cảng tàu du lịch biển ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang.

Tiếp tục mở rộng nâng cấp các cảng hàng không quốc tế (Đà Nẵng, Cam Ranh), xúc tiến mở các tuyến đường bay quốc tế trực tiếp đến các sân bay quốc tế trong vùng (Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh), mở thêm các đường bay trong nước nối các sân bay trong vùng (Phù Cát, Tuy Hòa) để tăng cường thu hút khách du lịch trên khắp cả nước.

Cùng với đó, các địa phương trong vùng tăng cường phát triển hệ thống làng nghề, các làng chuyên canh gắn với sản phẩm theo vùng, miền, địa phương để phục vụ phát triển du lịch. Mở rộng phát triển du lịch ở các đảo xa bờ, gắn kết hoạt động du lịch với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển và hải đảo của Tổ quốc…

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có thế mạnh nổi bật về tài nguyên du lịch biển, đảo với sự đa dạng của các hệ sinh thái đặc trưng... Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch nhân văn với nét độc đáo, giàu bản sắc của văn hóa Chămpa, là sự giao lưu giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn...

Trong đó nổi bật là các Di sản văn hóa của nhân loại là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Các khu vực tập trung tài nguyên du lịch gồm dải ven biển Hải Vân - Sơn Trà - Non Nước - Hội An gắn với Bà Nà, Cù Lao Chàm (thuộc Đà Nẵng và Quảng Nam) và dải ven biển Vũng Rô - Vân Phong - Đầm Nha Phu - Nha Trang - Vịnh Cam Ranh (thuộc Phú Yên và Khánh Hòa).

Đây là cơ sở hình thành các địa bàn trọng điểm, các khu vực tập trung đầu tư phát triển thành động lực du lịch của vùng.

Vietnam+