Với cái nắng oi bức mùa hè, các tuyến du lịch nghỉ dưỡng ở biển đảo đang trở thành lựa chọn với nhiều gia đình.
Giảm giá để kích cầu
Mùa hè năm nay, gia đình anh Nguyễn Hoàng Linh, (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chọn Đà Nẵng là điểm đến. Lý do chọn tuyến du lịch biển đảo, theo anh Nguyễn Hoàng Linh: “Với loại hình du lịch này, quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ. Tôi thấy giá cả của một số tuyến điểm miền Trung khá hợp lý và chất lượng dịch vụ ổn định”.
Đón khách du lịch tàu biển tại Nha Trang (Khánh Hòa).
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban thị trường (Hiệp hội lữ hành Việt Nam) phân tích: Loại hình du lịch nghỉ dưỡng đang là xu hướng mới đối với gia đình có thu nhập khá tại thành phố. Chính vì vậy, các điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang có dịch vụ đa dạng, giá cả hợp lý, luôn được du khách lựa chọn, dù đã đến vài lần. Với loại hình nghỉ dưỡng, du khách lựa chọn hình thức du lịch free-easy (lựa chọn một số dịch vụ khung) của hãng lữ hành; còn các dịch vụ, du khách tự do đi vui chơi. Nhiều đơn vị du lịch cho biết, năm nay loại hình free-easy được tới 60% số lượng khách chọn.
Cùng với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, các chương trình du lịch khám phá vùng đất mới cũng thu hút sự quan tâm của du khách thông qua chương trình kích cầu. Bà Tạ Thị Nguyệt (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa) vừa chọn tuyến du lịch đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: “Cách đây 2 tháng, tham khảo các chương trình du lịch, thấy giá tour đi du lịch nước ngoài còn rẻ hơn các tour đi trong nước từ 20 - 30% nên gia đình đã định chọn. Tuy nhiên gần đây, tham khảo một số tuyến điểm mới trong nước thấy giảm giá như tuyến Hà Nội - Cần Thơ -Cà Mau có giá 5,5 triệu đồng/người, tương đương giá một số nước trong khu vực, nên gia đình tôi quyết định chọn tuyến này để khám phá vùng đất cực Nam của tổ quốc”.
Theo đại diện Liên minh kích cầu du lịch miền Bắc: “Việc giảm giá này do hàng không và đối tác hợp tác giảm giá kích cầu. Với tour kích cầu như trên, giá một số tour trong nước ngang với giá tour đi các nước trong khu vực, tạo sự cạnh tranh và thu hút khách Việt Nam đi du lịch trong nước”. Các chương trình kích cầu tập trung vào các điểm đến mới như Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định… Những điểm bay lẻ này, giá bán tour khá hợp lý do được hàng không hỗ trợ giảm giá, đồng thời không quá căng về dịch vụ, nên ít bị “chặt chém”.
Trong dịp hè, các tuyến du lịch biển đảo luôn sôi động do hạ tầng thuận tiện, thông tin dễ tiếp cận. Lượng khách đăng ký qua các công ty du lịch dự kiến tăng 20%. “Du khách đăng ký qua công ty du lịch phần lớn là đi nghỉ dưỡng hoặc đến các điểm du lịch mới như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, nơi mà du khách chưa am hiểu dịch vụ. Trong khi đó, các tuyến truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang… khách tự đi khá nhiều. Điều này có thể thấy qua việc đặt vé trên các tuyến này luôn kín”, ông Nguyễn Công Hoan nhận xét.
Tăng cường quản lý điểm du lịch
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), mùa hè là mùa cao điểm của du lịch nội địa, chính vì vậy, bên cạnh việc thu hút khách, các địa phương cần tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ. Nhiều địa phương phát triển du lịch đã sớm đưa vào hoạt động các trung tâm hỗ trợ du khách, thông qua việc tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách để xử lý kiên quyết các vi phạm. Có thể ghi nhận sự chuyển biến tích cực tại các điểm du lịch miền bắc như Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) nhờ cách làm này.
Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương có tính quyết định trong việc xây dựng điểm đến bền vững. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Nơi nào chính quyền địa phương quan tâm tới phát triển du lịch, nơi đó môi trường đã đảm bảo trong sạch, đồng thời tình trạng “chặt chém”, đeo bám du khách được xử lý kiên quyết, từ đó tạo sự ấn tượng tới du khách. Đơn cử như Đà Nẵng đã phát động cộng đồng cùng tham gia đón du khách thông qua hành động cụ thể như người dân mở rộng cửa để du khách có thể vào đi vệ sinh không bị thu phí, luôn thân thiện, giá cả hợp lý; đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị dịch vụ tăng giá vượt khung niêm yết. Đó là những hành động cụ thể của chính quyền cơ sở, người dân địa phương trong việc tạo sự thân thiện với du khách.
Trong khi đó, tại một số điểm đến như Sa Pa (Lào Cai), Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt… cứ vào mùa cao điểm hè lại xuất hiện những phàn nàn từ du khách liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường, tình trạng đeo bám, ép giá. “Do đó, tạo dựng một điểm đến du lịch cần có sự chung tay của xã hội, cải thiện môi trường du lịch, tạo sự thoải mái cho du khách”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.