(TITC) - Từ ngày 27/6 đến 3/7/2015, tại thành phố Cần Thơ sẽ diễn ra Tuần lễ du lịch xanh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2015. Đây là sự kiện do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức thay cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2015.
Tuần lễ du lịch xanh ĐBSCL 2015 dự kiến thu hút sự tham gia của các tỉnh, thành phố du lịch trên cả nước cùng các thành phố lớn thuộc các nước tiểu vùng sông Mê Kông như: Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào… Sự kiện được tổ chức nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch xanh khu vực ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng; góp phần thúc đẩy nhu cầu tham quan du lịch của du khách trong nước và quốc tế; đồng thời tìm giải pháp liên kết phát triển du lịch ĐBSCL, kết nối tour, tuyến giữa các địa phương, vùng miền khác trong cả nước và quốc tế đến ĐBSCL và ngược lại.
Với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng hoành tráng, chương trình khai mạc Tuần lễ du lịch xanh ĐBSCL 2015 với chủ đề “Bay cao khát vọng chín rồng” diễn ra vào 20h00 ngày 29/6 sẽ tái hiện chuỗi câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống vùng ĐBSCL, thể hiện sự gắn kết và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, đồng thời phản ánh nhịp sống văn minh, năng động cùng khát vọng vươn xa của những vùng đất đang ngày một đổi mới.
Bên cạnh lễ khai mạc, nhiều hoạt động đặc sắc khác cũng sẽ được tổ chức, bao gồm: triển lãm hội chợ thương mại và du lịch ĐBSCL 2015 (từ 27/6 – 3/7) với quy mô 1.200 – 1.500 gian hàng, là cầu nối tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trực tiếp đến các khách hàng mục tiêu tại thị trường chiến lược; hội thi ẩm thực “Hương vị đồng bằng” (27/6 – 3/7) giới thiệu hơn 100 món ăn và nước uống mang đặc trưng riêng của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng những cuộc thi ẩm thực độc đáo; lễ hội đường phố (26/6 – 3/7) với các phần trình diễn được đầu tư công phu, mới lạ; chung kết cuộc thi Hoa khôi ĐBSCL 2015 (27/6); giải bóng chuyền khu vực ĐBSCL 2015 (26 – 29/6); chương trình “Đêm sắc màu phương Nam” và giao lưu với nghệ sĩ nổi tiếng (1/7); lễ bế mạc (3/7).
Trong khuôn khổ Tuần lễ sẽ diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo, trong đó tiêu biểu là hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL” (30/6) với sự tham gia của gần 700 đại biểu là các Tổng lãnh sự, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế, các nước Tiểu vùng sông Mekong. Hội nghị tập trung giải quyết những khó khăn trong công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch thời gian qua, đồng thời quảng bá tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch của vùng; tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm, tìm hiểu các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, các hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL” (29/6), “Áp dụng Nhãn sinh thái Bông sen xanh trong hệ thống cơ sở lưu trú tại Việt Nam” (1/7) cũng được tổ chức nhằm thúc đẩy sự liên kết bền vững với trọng tâm là phát triển "Du lịch xanh", góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền giới thiệu các hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội nhằm phát triển du lịch bền vững.
Dòng sông Cửu Long với 2 nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng rừng xanh và biển đảo đã tạo cho ĐBSCL hệ sinh thái đa dạng với những cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn, bao gồm các vườn quốc gia, sân chim, vườn cò; nhiều vườn hoa rực rỡ sắc màu và vườn cây ăn trái bạt ngàn, trĩu quả. Bên cạnh đó, những phiên chợ nổi nhộn nhịp vào buổi sáng sớm hay những cù lao quanh năm chan hòa ánh nắng, thiên nhiên trong lành cũng là những nét đẹp rất đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ.
Đến ĐBSCL, du khách còn có dịp thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc trưng của vùng sông nước như đờn ca tài tử, cải lương, các điệu lý, điệu hò hay các bản nhạc, điệu múa của đồng bào Khmer; tham gia những lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo.
|
Phạm Phương