Du lịch cộng đồng: “Sản phẩm” đặc trưng của Cà Mau
Cập nhật: 02/07/2015
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là kinh tế thủy sản với diện tích nuôi thủy sản trên 270.000 ha (trong đó diện tích nuôi tôm khoảng 240.000 ha)...

Hơn thế nữa, Cà Mau còn có thế mạnh về tài nguyên rừng. Đây chính là cơ hội lớn giúp ngành du lịch tỉnh nhà tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, làm nên “thương hiệu” mà không “giẫm chân” lên những lối mòn cũ.

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết, xu hướng hiện nay của khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ đơn thuần là đến tham quan mà còn thích được khám phá với những trải nghiệm thực tế.

Chính vì vậy, họ chuyển sang ưa chuộng hình thức du lịch cộng đồng hay du lịch “bụi”. Và Cà Mau là điểm đến hấp dẫn, thú vị với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú.

Về với thiên nhiên

Qua khảo sát và thăm dò ý kiến của hầu hết khách du lịch khi đến thăm Cà Mau trước đây được biết, họ đến Cà Mau vì ao ước được một lần đặt chân đến Mũi Cà Mau - nơi cực Nam Tổ quốc. Tuy nhiên, đến nay, nhu cầu du lịch không dừng ở đó, họ thích khám phá nơi từng mệnh danh “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um” và thích được “sống - ăn - ở cùng dân”, “một ngày được làm nông dân”. Những khách sạn cao cấp không còn là lựa chọn hàng đầu, những món ăn nhà hàng sang trọng không còn là niềm ưa thích, họ dần ưu ái cho những ngôi nhà sàn chênh vênh vách lá, những món ăn đồng quê, dân dã.

Ông Lê Văn Dũng cho biết thêm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, trung tâm đã xây dựng Đề án phát triển Du lịch cộng đồng gần gũi, thân thiện với người dân, đồng thời mang ý nghĩa kinh tế, nhằm tạo điều kiện cho người dân cải thiện cuộc sống nhờ làm du lịch.

Hiện nay, các công ty du lịch lữ hành tại Cà Mau như Công ty Cổ phần Du lịch Minh Hải đã đưa loại hình du lịch này đến với du khách và nhận được nhiều sự phản hồi đáng phấn khởi. So với những tỉnh, thành khác trong khu vực, Cà Mau được thiên nhiên ưu ái là vùng đất lắm tôm, nhiều cá, có rừng, có biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn… sẽ là điều kiện rất thuận lợi để Cà Mau xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái - cộng đồng.

Cần sự phối hợp cả cộng đồng

Phát triển Du lịch cộng đồng sẽ mang đến hiệu quả kinh tế cho nhiều phía. Nó như “đòn bẩy” không chỉ riêng cho kinh tế tỉnh nhà mà còn góp phần giúp người dân có thêm thu nhập.

Đơn cử, hầu hết người dân Cà Mau sống nhờ vào nuôi trồng thủy sản. Một gia đình có vài chục đến vài trăm công đất làm vuông, cuộc sống hằng ngày chủ yếu dựa vào mảnh đất vuông nhà. Đối với dân trong vùng thì không xa lạ, nhưng với những người dân chốn thị thành, vốn luôn phải bận rộn với cuộc sống tấp nập ra vào với tần suất làm việc cao độ, thì một ngày được thỏa sức trải nghiệm cuộc sống dân dã ở quê thì thật thú vị.

Một bạn trẻ đến từ TP Hồ Chí Minh, từng tham gia chuyến hành trình du lịch khám phá tự túc của nhóm bạn học, chia sẻ: “Không chỉ riêng bản thân tôi mà tất cả các bạn trẻ hiện nay đều thích được tham gia những chuyến hành trình thực tế. Khác với du lịch theo tour đến những điểm tham quan thắng cảnh đẹp ưa chuộng như Đà Lạt, Nha Trang…, đến du lịch tại Cà Mau không phải gò bó theo sắp xếp của công ty lữ hành.

Thông qua sự giới thiệu, chúng tôi được ở nhà dân, ăn những món ăn dân dã đơn thuần như canh chua cá đồng, ơ cá kho khô với vài cọng rau rừng, vài ba con tép luộc nhưng đậm đà hương vị. Rồi tối đến cùng gia đình quây quần nhâm nhi vài ly rượu đế, ngân nga mấy câu vọng cổ, chờ con nước xổ tôm rồi ăn uống, tâm sự cho tới sáng”.

Ông Dũng nhận định, loại hình du lịch “miệt vuông” hấp dẫn này chắc hẳn sẽ thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước, đồng thời chính nhờ nó, người dân cũng có thể cùng làm du lịch. Hiện tại các điểm đến tham quan như Khu du lịch Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, các công ty lữ hành trong tỉnh “hợp tác” với người dân sống tại đó cho thuê nhà để du khách lưu trú, có phục vụ cả ăn và “dịch vụ” làm vuông, tát ao, chụp đìa, bắt cá, đục hàu, cào lịch…

Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này có hiệu quả lâu dài và bền vững, tạo thành “thương hiệu” rất riêng của du lịch Cà Mau, đòi hỏi các ngành, các cấp phải cùng nhau phối hợp chặt chẽ toàn diện.

Cần sự đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, đồng thời, cho người dân vay vốn lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển các phương tiện phục vụ du khách, mở lớp tập huấn về giao tiếp, kiến thức du lịch, những kiến thức văn hóa đặc trưng từng vùng, miền cho người dân nắm rõ…

Bên cạnh đó, kết hợp với các doanh nghiệp, công ty lữ hành chọn vùng làm mô hình điểm phát triển loại hình du lịch này. Có như thế, tương lai không xa, du lịch Cà Mau sẽ có những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước.

camautravel.vn