Theo các chuyên gia, di sản địa chất ở vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) như bảo tàng trầm tích núi lửa độc đáo, hiếm hoi của thế giới.
Vừa qua, thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia khảo cổ học dưới nước - cho biết, sau thời gian dài khảo sát, các nhà nghiên cứu đều có chung đánh giá là vùng biển Bình Châu tích hợp nhiều giá trị di sản.
"Khu vực này không chỉ có di sản biển phong phú được ví là nghĩa địa tàu cổ đắm với nhiều niên đại khác nhau, mà còn có di sản địa chất về trầm tích núi lửa ở vùng biển gần bờ độc đáo, hiếm hoi của thế giới", ông Lâm nói.
Ông Lâm mô tả vùng biển Bình Châu có dải, vách đá trầm tích núi lửa kéo dài hàng cây số. Di sản địa chất còn có các miệng núi lửa cổ, trầm tích của đảo núi lửa xen lẫn rạn san hô tuyệt đẹp trong phạm vi 24km² dưới đáy biển.
Tham gia lặn khảo sát, nghiên cứu vùng biển Bình Châu, Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Hoàng - chuyên gia Viện Nghiên cứu địa chất, địa mạo (Nhật Bản) - ví nơi đây là kỳ quan "Vịnh Hạ Long trầm tích núi lửa". Đây là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, thu hút du khách, nhà khoa học đến tham quan lặn biển và nghiên cứu.
Tiến sĩ Hoàng cho hay, địa chất kiến tạo từ hoạt động núi lửa ở vùng biển này có niên đại khoảng 6 đến 11 triệu năm trước.
"Việc phát hiện nhiều đảo đá, dấu tích miệng núi lửa cổ cùng dải đá trầm tích trải rộng ở Bình Châu không chỉ tạo nét đặc biệt ở vùng biển đảo Việt Nam, mà còn hiếm hoi trên thế giới. Di sản địa chất nơi đây xứng đáng được đề xuất UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu", ông Hoàng đánh giá.
Ba tháng trước, tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty Đoàn Ánh Dương mời các chuyên gia khảo sát, hoàn chỉnh hồ sơ di tích tàu cổ đắm cùng di sản địa chất ở vùng biển Bình Châu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia.