Tham quan một số di tích văn hóa Hà Nội – Hưng Yên
Cập nhật: 30/09/2015
(TITC) - Xuất phát từ bến tàu chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), tàu Thăng Long 18 sẽ đưa du khách tham quan một số di tích văn hóa đặc sắc ven sông Hồng thuộc địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội) như đền Dầm, đền Đại Lộ. 

Đền Dầm

Nằm ở thôn Xâm Dương (xã Ninh Sở), đền Dầm thờ Mẫu Thoải, một trong Tứ phủ theo tâm thức của người Việt. Đền tọa lạc trong khuôn viên khá rộng rãi, thoáng đãng với cây đa cổ thụ đã 800 năm tuổi. Tam quan đền đắp nghê chầu, tường đắp long mã. Chính điện của đền là một nếp nhà dài, mái ngói vảy cá, cột gỗ sơn nâu. Các hương án, ban thờ bên trong chính điện đều được chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng.

Từ đền Dầm rẽ trái đi khoảng 300m tới thôn Đại Lộ cùng trong xã Ninh Sở, du khách sẽ đến với đền Đại Lộ nằm ngoài đê sông Hồng. Đây là ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng và là trung tâm sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng của người dân trong vùng. Đền được xây dựng từ thời Trần, thờ Tứ vị Thánh nương trong hậu cung là: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa. Cung ngoài thờ hội đồng các quan và Công đồng tứ phủ gồm tứ phủ chầu bà, tứ phủ ông hoàng, tứ phủ thánh cô và tứ phủ thánh cậu.

Rời huyện Thường Tín, tàu tiếp tục đưa du khách tới Hưng Yên, vùng đất có số lượng lớn các di tích văn hóa phong phú và độc đáo, tiêu biểu như Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, chùa Hiến, đền Mẫu, đền Đa Hòa.

Văn Miếu Xích Đằng

Được khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) trên nền chùa Nguyệt Đường, Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên) thờ Khổng Tử, Chu Văn An cùng các chư hiền Nho giáo. Đây được xem là biểu tượng tôn vinh truyền thống hiếu học của mảnh đất Phố Hiến - Hưng Yên. Tam quan Văn Miếu được xây dựng đồ sộ, bề thế, mang dáng dấp cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Trong khuôn viên Văn Miếu, ngoài lầu chuông và gác khánh còn có 2 dãy tả vu, hữu vu. Khu nội tự Văn Miếu có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm 3 tòa: tiền tế, trung từ và hậu cung. Bên trong khu nội tự là hệ thống đại tự, câu đối, cửa võng và các trụ cột, kèo sơn son thếp vàng. Văn Miếu Xích Đằng đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1992.

Chùa Chuông

Sau khi thăm Văn miếu Xích Đằng, du khách sẽ tới chùa Chuông (phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên) được khởi dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ 15). Vẻ đẹp của chùa Chuông chính là quần thể kiến trúc được bố trí cân xứng, hài hòa trên một trục trải dài từ cổng tam quan đến nhà tổ. Qua cổng tam quan là ba nhịp cầu đá xanh, bắc ngang qua ao mắt rồng. Giữa sân chùa là con đường trải đá xanh dẫn thẳng tới nhà tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Chùa Chuông hiện là nơi lưu giữ hệ thống các pho tượng Phật độc đáo được chế tác tinh xảo từ đất sét, nổi bật là Bát bộ Kim Cương, 18 bức tượng La Hán, 4 bức tượng Bồ tát chạy dọc theo hai dãy hành lang. Trong chùa còn có bức phù điêu gỗ Thập điện Diêm Vương cùng nhiều hoành phi, câu đối, đồ thờ, bia đá. Năm 1992, chùa Chuông đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Chùa Hiến (thôn Mậu Dương, phường Hồng Châu) cũng là một danh thắng nổi tiếng của xứ nhãn Hưng Yên. Được dựng vào cuối thời Lý đầu thời Trần giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng đạt, chùa có bố cục kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện và ba mặt hành lang. Chùa Hiến còn nổi tiếng có cây nhãn Tổ hay còn gọi là cây nhãn tiến nằm phía trước cửa chùa. Đây là cây nhãn đường phèn có dáng hình đẹp, mã lụa, quả to, cùi dày, hương vị thơm ngon. Xưa kia, mỗi mùa nhãn chín, nhãn thường được chọn hái để dâng đức Phật, cúng Thành hoàng và tiến vua.

Đền Mẫu

Rời chùa Hiến, du khách tiếp tục đến với đền Mẫu (phường Quang Trung). Ngôi đền nổi tiếng linh thiêng và có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Tọa lạc trên một vùng đất rộng, phía trước là hồ bán nguyệt, xa hơn một chút là con đê sông Hồng, đền Mẫu thờ Dương Quý Phi (triều nhà Tống - Trung Quốc), tương truyền là thần nữ có công phù trợ Vua Trần Anh Tông chinh phạt Chiêm Thành. Đền gồm các hạng mục chính như: tam quan, đại bái, tiền đường, hậu cung..., ngoài ra còn có phủ Đông, phủ Tây, nhà sắp lễ. Đền Mẫu đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990.

Đền Đa Hòa

Đến Hưng Yên, du khách không thể bỏ lỡ dịp ghé thăm đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu), một trong hai ngôi đền thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân và nghe người dân thôn Đa Hoà kể về mối lương duyên trời định và tình yêu son sắt, thủy chung của chàng trai đánh cá nghèo họ Chử với nàng công chúa Tiên Dung – con gái Vua Hùng thứ 18. Đền được xây dựng trên một khu đất cao, bằng phẳng, hình chữ nhật với diện tích 18.720m². Mặt đền quay hướng chính tây, nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên – theo truyền thuyết là nơi công chúa Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử và nên duyên vợ chồng. Đền được chia thành ba khu. Khu ngoài là nhà bia 2 tầng, 8 mái cong với cửa trổ ra 4 hướng. Bên phải khu giữa là lầu chuông, nơi đặt quả chuông đồng cao 1,5m và bên trái là gác khánh treo khánh đá có chiều ngang 1,2m. Khu trong có kiến trúc kiểu cung đình thời Nguyễn nhưng kết hợp hài hòa giữa Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Tổng thể các công trình kiến trúc trong khu này gồm 18 ngôi nhà mái ngói cong hình 18 thuyền rồng cách điệu nhằm tái hiện hoạt cảnh đoàn thuyền của công chúa Tiên Dung giăng buồm du ngoạn trên bến sông thuở nào. Ngoài kiến trúc độc đáo, đền Ða Hoà còn lưu giữ nhiều di vật quý hiếm, điển hình như: 3 cỗ ngai thờ bằng gỗ có niên đại vào cuối thế kỉ 17 và 18; lọ Bách thọ bằng gốm… Đền Đa Hòa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1962.

Vườn nhãn Hưng Yên

Đặc biệt, nếu đến Hưng Yên vào đúng mùa nhãn lồng (tháng 6 âm lịch), du khách sẽ có dịp tham quan các vườn nhãn trĩu quả, tận tay trẩy những trùm nhãn căng mọng và thưởng thức vị ngọt, thơm, thanh mát của nhãn lồng - sản vật nổi tiếng, đặc trưng của tỉnh Hưng Yên, niềm tự hào của đất và người nơi đây.

Bài: Phạm Phương; ảnh: Xuân Bách