Sáng ngày 22/10/2015, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm tổng hợp những ý kiến của các nhà khoa học, các Câu lạc bộ ca trù, nghệ nhân, ca nương, kép đàn trên địa bàn thủ đô, qua đó Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội xây dựng lộ trình, giải pháp góp phần cùng các địa phương trong cả nước đưa ca trù khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có 14 Câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, trong đó có nhiều Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: Câu lạc bộ ca trù Hà Nội, Câu lạc bộ ca trù Thái Hà, Thăng Long… Trên địa bàn thành phố hiện có 50 người có khả năng truyền dạy ca trù, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học. Các câu lạc bộ ca trù của thủ đô còn lưu giữ hơn hơn 30 thể cách, điệu múa cổ, sáng tác mới 18 làn điệu ca trù.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết: Thông qua cuộc tọa đàm này làm cơ sở để cho Sở Văn hóa, Thể thao chúng tôi xây dựng một kế hoạch dài hơi bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016 - 2020. Chúng tôi sẽ trình đề án này với Ủy ban nhân dân thành phố để phê duyệt làm cơ sở để triển khai chỉ đạo, thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong 5 năm tới.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nêu rõ thực trạng ca trù thủ đô đồng thời đề xuất những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù như: Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cần thực hiện cuộc kiểm kê di sản ca trù trên địa bàn thành phố; xây dựng những cơ chế chính sách để quản lý, hỗ trợ cho hoạt động các Câu lạc bộ ca trù, chính sách đãi ngộ nghệ nhân ca trù; tăng cường hoạt động sưu tầm đầy đủ thể cách ca trù, nâng cấp một số điểm biểu diễn ca trù phục vụ khách tham quan du lịch…
Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, dự kiến năm 2016 sẽ tổ chức liên hoan ca trù thành phố Hà Nội lần thứ 3 nhằm phát hiện bồi dưỡng lớp tài năng trẻ, đẩy mạnh giao lưu giữa các Câu lạc bộ, địa phương có hoạt động ca trù.