Hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch 2005 và đề xuất nội dung xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) tại miền Nam
Cập nhật: 09/11/2015
(TITC) - Sáng 06/11/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch 2005 và đề xuất nội dung xây dựng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi). Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn và Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đã đến dự và chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị

Luật Du lịch được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2005 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, phát triển du lịch ở địa phương. Cơ quan nhà nước chuyên ngành du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch) đã tích cực tham mưu cho UBND các tỉnh, thành tổ chức nhiều hội nghị triển khai thực hiện Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Du lịch đến chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng cư dân địa phương. Qua 10 năm triển khai thực hiện, ngành Du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nâng lên tầm cao mới với sự tăng trưởng về mọi mặt.

Tuy nhiên, trong 10 năm qua, tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi tác động đến việc thực hiện Luật Du lịch. Bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi với nhiều cam kết quốc tế. Ở trong nước, tác động từ những thay đổi trong quan hệ xã hội khi đất nước phát triển và hội nhập đã dẫn đến việc thực hiện Luật Du lịch 2005 gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện thực tế.

 
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị

Ngành Du lịch được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo tập trung trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, nhưng chưa huy động tối đa được các nguồn lực do còn thiếu các quy định. Do vậy, việc hoàn thiện Luật Du lịch mới (Luật Du lịch sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Luật Du lịch 2005 ra đời và chính thức được thực hiện đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo sự hoạt động và phát triển mạnh mẽ, đúng đắn, khai thác, phát huy các nguồn lực, tiềm lực của ngành Du lịch. Và kết quả là trong 10 năm qua, ngành Du lịch đã có bước tiến dài với những thành tựu to lớn. Tuy vậy, với sự thay đổi của bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước, rất cần có những quy định mới phù hợp với điều kiện hiện tại và xu hướng tương lai để đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho sự phát triển của Ngành.

Tổng cục trưởng mong muốn các đại biểu tham dự tập trung cho ý kiến về các vấn đề như phát triển du lịch bền vững; phát triển nguồn nhân lực; quy định về hiệp hội; đề xuất chuyển giao chủ trì lập quy hoạch cho chính quyền UBND cấp tỉnh; kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế cần đặt ngang hàng; thuyết minh viên, hướng dẫn viên; quy định về quyền và trách nhiệm của khách du lịch; thành lập và quản lý khách sạn; quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; công tác quản lý nhà nước về du lịch trên cơ sở đề cao trách nhiệm của cơ quan địa phương…

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận và nhất trí về một số vấn đề đã được nêu trong Luật Du lịch sửa đổi. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất Luật Du lịch sửa đổi cần quy định cụ thể, rõ ràng về các vấn đề như: Các tiêu chí về nguồn nhân lực; kiểm soát chất lượng cơ sở lưu trú; vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố; vai trò quản lý phát triển du lịch của cơ quan địa phương; mối quan hệ giữa các ngành với nhau; phát triển du lịch bền vững; vai trò của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam và địa phương trong việc xếp hạng khách sạn; quy hoạch du lịch; sản phẩm du lịch...

Thực hiện: Hương Lê, Diễm Phi