Đẩy mạnh liên kết phát triển cụm du lịch phía đông Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 13/11/2015
(TITC) - Chiếm diện tích gần 14.000km2, cụm du lịch duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế, văn hóa quan trọng của khu vực phía Nam, bao gồm 5 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An. 

Tour du lịch sông nước miệt vườn tại ĐBSCL

Thiên nhiên ưu đãi cho cụm du lịch phía đông ĐBSCL tiềm năng du lịch độc đáo, không giống vùng miền nào của cả nước với hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ, đước nước mặn, rừng tràm nước ngọt và rừng bần, chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, những dòng sông chở nặng phù sa cũng đã bồi đắp cho miền duyên hải ĐBSCL những ruộng đồng màu mỡ cùng những vườn cây ăn trái bạt ngàn, bốn mùa trĩu quả. Cụm du lịch này còn cuốn hút du khách bởi tinh hoa văn hóa đặc sắc của cộng đồng 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm qua những lễ hội dân gian truyền thống, những di tích văn hóa độc đáo cùng ẩm thực đa dạng và tính cách con người hiền hòa, đôn hậu, mến khách.

Với thông điệp quảng bá, xúc tiến du lịch “Năm địa phương – Một điểm đến”, cụm du lịch phía đông ĐBSCL đã triển khai kế hoạch phát triển du lịch các tỉnh trong cụm giai đoạn 2013 – 2014 và ký chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch đến năm 2020 nhằm phát huy tối đa tiềm năng du lịch vốn có. Kết quả là, thời gian qua, nhiều hoạt động phát triển du lịch đã được các địa phương trong cụm liên kết thực hiện như: hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù; đa dạng hóa các loại hình và dịch vụ du lịch ở mỗi địa phương; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; tổ chức các cuộc hội thảo, giao lưu, học tập kinh nghiệm làm du lịch giữa các đơn vị kinh doanh lữ hành; xây dựng gian hàng chung tại các hội chợ du lịch trong và ngoài nước…

Khách du lịch trải nghiệm làm thử kẹo dừa tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Cửu Long (Vĩnh Long)

Tuy nhiên, đây mới chỉ là “liên kết ngang” trong lĩnh vực du lịch mà chưa thực sự đi vào chiều sâu. Cụm vẫn chưa hình thành được các sản phẩm du lịch đặc thù chung cũng như chưa có tài liệu, ấn phẩm quảng bá, giới thiệu du lịch chung của cụm.

Để đẩy mạnh liên kết phát triển cụm du lịch phía đông ĐBSCL, thời gian tới, cùng với việc liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch, cụm cũng cần hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù chung của cụm, trong đó, lấy du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa và các giá trị di sản văn hóa làm điểm nhấn để thu hút du khách. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch một cách bền vững, cụm cũng cần có cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nhằm xây dựng, phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí. Việc phát huy hợp tác giữa các tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng là nhiệm vụ cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân về hoạt động phát triển du lịch ở địa phương; đồng thời nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến du lịch của cụm trong tình hình mới.

6 tháng đầu năm 2015, khách du lịch đến tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng tại các địa phương trong cụm du lịch duyên hải phía đông ĐBSCL đạt 2.417.207 lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, khách quốc tế đạt 576.504 lượt, khách nội địa đạt 1.833.703 lượt; tổng thu từ du lịch đạt 976 tỷ đồng, tăng 18,16% so với cùng kỳ năm 2014.

Bài: Phạm Phương; ảnh: Minh Triết

 

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Bến Tre