Nằm ven sông Tiền với cảnh quan nên thơ, hữu tình của hệ thống sông rạch uốn quanh, xen lẫn những vườn cây ăn trái, cùng các làng nhà cổ, Cái Bè là một trong những địa phương có lợi thế để phát triển du lịch. Vì lẽ đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện trong các nhiệm kỳ qua đều xác định việc khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện là một trong những mục tiêu quan trọng.
Từ thuở sơ khai, huyện Cái Bè đã là một trong những trung tâm hành chính - kinh tế - chính trị của Nam bộ với tên gọi “Cái Bè Dinh” (năm 1732, do Chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng). Ngày nay, Cái Bè là một trung tâm phân phối trái cây cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Nằm ở tả ngạn dòng sông Tiền ngày đêm chở nặng phù sa, mảnh đất trù phú Cái Bè được mệnh danh là “vương quốc trái cây” với trên 16.000ha vườn cây ăn trái trĩu quả, xum xuê trải dọc theo những dải cù lao xanh biếc. Con sông Tiền đi qua địa phận Cái Bè đã tỏa ra nhiều nhánh, bồi đắp tạo thành những cồn, bãi với hệ sinh thái đặc trưng nên rất hấp dẫn du khách.
Khi đi thuyền trên sông, du khách có thể bắt gặp hình ảnh người dân đang mưu sinh trên sông nước như quăng chài, thả lưới… bắt tôm cá, là những nét chấm phá làm cho bức tranh du lịch sinh thái của Cái Bè thêm sinh động.
Mỗi năm Cái Bè đón gần 100.000 khách du lịch, trong đó hơn 70% là khách nước ngoài. Năm 2014, có 129.019 lượt khách du lịch đến Cái Bè, trong đó có 114.118 lượt khách quốc tế. Đây là con số lý tưởng đối với hoạt động du lịch ở địa phương và minh chứng cho chiến lược khai thác phát triển du lịch của huyện Cái Bè là định hướng hoàn toàn đúng đắn trong nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương.
Đến với Cái Bè, du khách được đi trong màu xanh mát dịu của miệt vườn châu thổ Cửu Long, tiếp xúc với những người dân đôn hậu và hào phóng, được tham quan chợ nổi trên sông là một trong những chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam bộ với nét văn hóa giao lưu hàng hóa đặc trưng của miền sông nước Cửu Long.
Đặc biệt, du khách sẽ rất thích thú khi được thăm và ở lại đêm tại những ngôi nhà cổ được xây dựng từ đầu nửa thế kỷ thứ XIX ở xã Đông Hòa Hiệp. Các nhà cổ này được xây dựng theo cấu trúc nhà truyền thống Nam bộ gồm 5 gian, 3 chái hình chữ đinh cùng các hoa văn chạm khắc, trang trí công phu.
Các nhà cổ nằm đan xen trong những vườn cây trái xum xuê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng và hấp dẫn đối với du khách. Ngoài ra, những di tích lịch sử - văn hóa như Miếu Hà Dương Thủy Thần, Đình Đông Hòa Hiệp, Đình Ông Lữ, Nhà thờ, Thánh thất Cái Bè cũng là những địa điểm văn hóa tâm linh tín ngưỡng thu hút lượng khách không nhỏ. Bên cạnh đó, làng nghề thủ công truyền thống gồm làng nghề cốm, kẹo, bánh phồng… với hương vị đậm đà, chinh phục du khách khi đến tham quan và nếm thử.
Trên địa bàn huyện hiện có 22 công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đặt chi nhánh tại đây để phục vụ du khách đến Cái Bè tham quan, nghỉ dưỡng (khách quốc tế chiếm hơn 70%) cho thấy tiềm năng du lịch sinh thái của huyện là rất lớn.
Xác định rõ vị trí của du lịch Cái Bè trong tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Huyện ủy, UBND huyện đã định hướng mục tiêu kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của ngành Du lịch. Ngoài việc khai thác các tiềm năng và lợi thế sẵn có, ngành Du lịch huyện Cái Bè đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, các dịch vụ gắn liền với đời sống của người dân địa phương.