(TITC) – Sáng ngày 20/11/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Đóng góp ý kiến với dự thảo tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn sửa đổi (soát xét tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4391:2009).
|
Vụ trưởng Vụ Khách sạn Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại hội nghị |
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch); Vụ Khoa học, Công nghệ, Môi trường (Bộ VHTTDL); Hiệp hội Khách sạn Việt Nam; đại diện các Bộ Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Khoa học & Công nghệ; các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, và các doanh nghiệp du lịch,…
Bộ tiêu chuẩn Việt Nam về du lịch và các dịch vụ liên quan về xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch đã được ban hành từ năm 2009 với các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, làng du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch và nhà có buồng cho khách du lịch thuê. Năm 2014, tiêu chuẩn về xếp hạng căn hộ du lịch đã được chỉnh sửa và ban hành. Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chuẩn còn lại cần chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong 2 năm 2014 và 2015, Tổng cục Du lịch đã triển khai đánh giá việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia du lịch và các dịch vụ có liên quan trong toàn quốc và soát xét tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4391:2009.
Hội nghị chuyên đề được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành liên quan, các chuyên gia, các cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong cả nước để xây dựng dự thảo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập.
Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Khách sạn Nguyễn Văn Thanh đã giới thiệu về thực trạng việc áp dụng các tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Theo đó, Việt Nam hiện có 8 loại hình cơ sở lưu trú du lịch, trong đó khách sạn, làng du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, căn hộ du lịch được xếp thành 5 hạng; biệt thự du lịch chia 2 hạng; nhà nghỉ du lịch, homestay chỉ có 1 hạng; riêng loại hình bãi cắm trại du lịch đã có tiêu chuẩn nhưng chưa có tại Việt Nam.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Tính đến tháng 10/2015, toàn quốc có 3.255 khách sạn 1 sao, 1.351 khách sạn 2 sao, 411 khách sạn 3 sao, 215 khách sạn 4 sao, 91 khách sạn 5 sao, chủ yếu là khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn thành phố. Cả nước có 7 căn hộ du lịch cao cấp; 3 biệt thự du lịch; 3 làng du lịch; ước tính có trên 4.000 nhà nghỉ du lịch; 1.000 nhà có buồng cho khách du lịch thuê. Tỉ lệ phân bố cơ sở đã được xếp hạng tương đối đều, miền Bắc và miền Nam 36%, miền Trung 27%. Sau 5 năm áp dụng, các bộ tiêu chí xếp hạng đã bộc lộ một số bất cập; một số tiêu chí đã bắt đầu lạc hậu so với công nghệ vận hành, quản lý; một số tiêu chí của khách sạn, nhà có phòng cho khách du lịch thuê, nhà nghỉ du lịch, biệt thự du lịch chưa phù hợp với thực tế; cần bổ sung thêm những tiêu chí liên quan đến dịch vụ; một số loại hình lưu trú du lịch mới ra đời trên thế giới nhưng Việt Nam chưa áp dụng.
Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất cân nhắc về một số khái niệm liên quan cơ sở lưu trú du lịch; tiêu chuẩn kỹ thuật một số hạng mục. Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất dự thảo cần chú trọng hơn đến các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bổ sung thêm tỉ lệ cây xanh trong khuôn viên khách sạn, cơ sở lưu trú cần có quy định khu vực hút thuốc lá riêng. Bộ Xây dựng đề xuất một số ý kiến về kiến trúc hạ tầng của cơ sở lưu trú về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; có phòng ngủ và nhà vệ sinh riêng cho người khuyết tật… Các đại biểu dự hội nghị cũng có một số đề xuất khác về giữ nguyên yêu cầu bắt buộc 10 buồng đối với khách sạn 1 sao; diện tích bể bơi phải phù hợp với khuôn viên cơ sở lưu trú; tiêu chuẩn mới cần cân nhắc một số cơ sở đặc thù có chất lượng cao song lại không đáp ứng số lượng buồng...
Vụ trưởng Vụ Khách sạn Vũ Văn Thanh cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu những góp ý này để xem xét, bổ sung, điều chỉnh xây dựng bản dự thảo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Tin, ảnh: Thu Thủy