Ngày 27/11/2015, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã khai trương không gian dịch vụ văn hóa tại cơ sở 79 đường Nguyễn Chí Diễu. Đây nguyên là nơi làm việc của Thượng thư Bộ Học xưa, thuộc khu vực Lục Bộ thời Nguyễn ở cố đô Huế.
|
Ảnh: Internet |
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho niết: khu nhà này thuộc một trong những không gian Lục Bộ (sáu Bộ cai quản việc nước) của triều Nguyễn xưa. Vào năm 1879, vua Tự Đức cho xây dựng Chánh Mông Đường (nơi dành cho vua con Đồng Khánh khi còn nhỏ học tập). Năm 1881, vua Tự Đức cho xây dựng Dục Đức Đường. Đến thời vua Thành Thái cho đổi thành nhà Tôn học. Rồi sau đó là nơi làm việc của Thượng thư Bộ Học, cuối cùng là văn phòng của Phủ phụ chính đại thần.
Năm 1968, đây là trụ sở của Ty Lao động Thương binh Xã hội. Qua quá trình sử dụng, các cơ quan chủ quản đã sửa chữa nhiều lần cho phù hợp với công năng dẫn đến không còn nguyên trạng ban đầu, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Năm 2005, công trình này được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý.
Đầu năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã giao cho Trung tâm Phát triển dịch vụ di tích Huế (đơn vị trực thuộc) chịu trách nhiệm đầu tư, chỉnh trang hệ thống nhà cửa, sân vườn để triển khai các hoạt động dịch vụ văn hóa, nhằm đem đến cho khách tham quan và người dân địa phương có thêm một địa chỉ văn hóa để tiếp cận, tìm hiểu về di sản.
Không gian văn hóa điểm di tích này được Trung tâm Phát triển dịch vụ di tích Huế phối hợp Công ty TNHH Phát triển sản phẩm văn hóa Cung đình triều Nguyễn – Việt Nam thực hiện, qua đó trưng bày và giới thiệu các hoạt động dịch vụ văn hóa như: trình diễn Ngự trà (giới thiệu, trình diễn cách pha chế và thưởng thức một số sản phẩm Ngự trà đã được nghiên cứu tỉ mỉ, bài bản dựa trên những tư liệu quý hiếm của Thái Y Viện triều Nguyễn để lại); giới thiệu một số ngự phẩm có nguồn gốc từ cung đình Nguyễn như Ngự trà, Ngự tửu, Ngự dược; trưng bày một số sản phẩm thủ công truyền thống Huế như nón lá, bánh Huế, đồ đan lát; không gian sân chơi chim cảnh…
Đặc biệt, khi đến tham quan không gian văn hóa này, du khách có thể tham gia một số hoạt động du lịch trải nghiệm, tự tay làm một số sản phẩm đã trở thành thương hiệu của Huế như: chằm nón bài thơ, làm hoa giấy Thanh Tiên, làm bánh ngũ sắc Huế, tham gia vào một số công đoạn sao ướp trà sen.
TS Phan Thanh Hải cho biết: Việc khai trương không gian văn hóa tại khu vực Lục Bộ thời Nguyễn sẽ góp phần làm phong phú và nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động dịch vụ trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, nhằm quảng bá di sản Huế cũng như các sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ cung đình triều Nguyễn, các sản phẩm, làng nghề thủ công truyền thống Huế cho du khách trong và ngoài nước.