Trong thời gian qua, các di tích ở phố cổ Hà Nội đã được quan tâm, đầu tư, tôn tạo, tạo nên diện mạo mới. Từ thành công của dự án bảo tồn phố nghề Lãn Ông đang mở ra nhiều triển vọng trong việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích phố cổ Thủ đô.
Phố Lãn Ông nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được biết tới là nơi nổi tiếng với nghề kinh doanh dược liệu và hiệu Đông y gia truyền. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều nét kiến trúc độc đáo, tiêu biểu cho nét văn hóa khu phố cổ, thể hiện sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam với kiến trúc Hoa, Pháp. Việc chỉnh trang, bảo tồn tuyến phố cổ này không chỉ nhằm giữ lại những nét đẹp văn hóa của Hà Nội xưa mà còn giúp phố nghề Lãn Ông đẹp hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước.
KTS Phạm Tuấn Long- Phó Trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội trăn trở: “Vẫn còn hàng chục cửa hiệu bán thuốc Đông y và bắt mạch, Lãn Ông là tuyến phố cổ hiếm hoi còn giữ lại được nghề truyền thống như khi mới hình thành. Việc chỉnh trang, cải tạo bề mặt phố Lãn Ông không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh của các hộ dân mà còn góp phần tạo ra một điểm nhấn văn hóa đặc trưng cho khu phố cổ”.
Trước khi chỉnh trang, các công trình kiến trúc trên phố Lãn Ông có hiện trạng xuống cấp, trong đó có nhiều công trình biến dạng và thay đổi chức năng sử dụng mặt tiền thành bếp và khu phụ. “Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đường phố chuyên Đông Nam dược Lãn Ông” được thực hiện từ năm 2013 do quận Hoàn Kiếm đầu tư ngân sách, chỉnh trang toàn bộ mặt đứng số nhà và sáu nhà được bảo tồn hết lớp thứ nhất. Các hộ dân cải tạo nội thất, chỉnh trang bên trong.
Trong quá trình thực hiện dự án, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát hiện trạng, đánh giá loại hình kiến trúc, những giá trị văn hóa... Từ cơ sở này, các chuyên gia đã đề ra phương án cụ thể cho từng ngôi nhà… Việc chỉnh trang được thực hiện trên nguyên tắc: giữ nguyên vị trí, cấu trúc, bố cục không gian phố Lãn Ông; duy trì không gian đường phố, vỉa hè, cải tạo chỉnh trang đường không gian tuyến phố; hạn chế việc xây dựng các công trình lớn ảnh hưởng tới không gian phố cổ; cải tạo nâng cấp các hạng mục kỹ thuật hạ tầng như hạ ngầm mạng dây điện, nâng cấp chiếu sáng đô thị, bổ sung cây xanh, bố trí bãi đỗ xe,…
Dự án chỉnh trang tập trung vào mặt đứng của phố, dỡ bỏ các chi tiết kiến trúc không phù hợp, dỡ bỏ biển quảng cáo, máy điều hòa, mái vẩy. Đồng thời, mặt đứng các số nhà được dóc, trát và các phần tường đã bong, tróc, mục nát, phục hồi một số chi tiết kiến trúc đã bị hư hỏng, thay thế gỗ tầng 1 của một số nhà kiến trúc cũ, sơn vôi tường, cửa sắt, làm biển hiệu mới…
Sau một thời gian trùng tu, tôn tạo, diện mạo của phố cổ Lãn Ông đã thực sự đổi thay. Bà Thanh Hoa, một người dân trên phố cổ cho hay: Phố Lãn Ông là tuyến phố có nghề Đông Nam dược lâu đời. Từ trước đây, người dân sống bằng nghề kinh doanh nhưng có nhiều nhà cổ đã xuống cấp. Với dự án bảo tồn, tôn tạo phố nghề này hết sức cần thiết và có ý nghĩa, tuyến phố này sẽ thu hút đông du khách hơn. Trải qua thời gian cho đến nay, Hà Nội còn rất ít phố nghề trong 36 phố phường được đặt tên phố theo nghề còn giữ được nghề truyền thống như phố Lãn Ông.
KTS Phạm Tuấn Long cho biết: Trong quá trình triển khai “ Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đường phố chuyên Đông Nam dược Lãn Ông”, Ban quản lý phố cổ Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây dựng Trường Tiểu học Hồng Hà kết hợp tu bổ, tôn tạo di tích Hội quán Phúc Kiến tại số 40, phố Lãn Ông, dự án này cũng đã hoàn thành... Trước đó, vào năm 2000, Hà Nội có 2 dự án được khởi động, gồm châu Âu Asia Rehab và Hà Nội - 2010 - Di sản và đặc trưng văn hóa. Đáng chú ý là sự phối hợp giữa Hà Nội và Toulouse ( gồm 3 công trình: Đình Đồng Lạc-38 Hàng Đào; Nhà truyền thống-87 Mã Mây, nhà 51 Hàng Bạc); vào năm 2011, phố Tạ Hiện cũng đã được đầu tư, tôn tạo, bảo tồn những nét kiến trúc cổ.
Có thể nói, diện mạo và dấu ấn về phố cổ Hà Nội, qua việc triển khai trùng tu, tôn tạo các di tích, tuyến phố đã thực sự tạo nên dấu ấn, nét đẹp của phố cổ. Quá trình triển khai, thực hiện Dự án đã làm việc hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm, thể hiện tính kỹ lưỡng, cụ thể đến từng chi tiết. Những người triển khai dự án đã góp phần quan trọng trong việc chống xuống cấp, bảo tồn, tôn tạo giá trị của di tich. Cái được là tạo ra không gian đẹp, uyển chuyển, mở ra những cái nhìn khác nhau, điều này rất thiếu ở các công trình cổ của Thủ đô, qua đó mở ra hướng tôn tạo, nâng cấp các di tích ở Hà Nội nói chung và phố cổ nói riêng, cũng như việc khai thác, phát huy giá trị của từng di tích, tuyến phố.
Ngay sau khi “ Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đường phố chuyên Đông Nam dược Lãn Ông” được hoàn thành và “ Tuần lễ phố nghề thuốc truyền thống Đông Nam dược 2015” diễn ra, như một lời mời du khách thập phương cùng đến khám phá và trải nghiệm. Du khách, người dân khi tới tham quan phố Lãn Ông được các hộ gia đình làm thuốc ở đây tư vấn, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng thuốc Đông Nam dược. Trong không gian phố cổ, phố Lãn Ông đã có nhiều đổi thay những vẫn được bảo tồn những nét đẹp truyền thống về kiến trúc, cảnh quan, về nghề thuốc, mở ra hướng kết nối giữa Sở Du lịch cùng Sở Văn hóa, Thể thao, cùng các ngành liên quan và cộng đồng các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng vào thực tiễn để phát triển loại hình du lịch chữa bệnh mà hiện nay nhiều nước đang đầu tư, phát triển rất thành công.