Du lịch vùng Tây Bắc – tiềm năng và cơ hội (phần 2)
Cập nhật: 02/12/2015
(TITC) - Vùng Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc - là vùng núi cao nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước, có cảnh quan hùng vĩ, bản sắc văn hóa đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)

Nằm ở biên giới cực Bắc của Tổ quốc, cảnh quan vùng cao Hà Giang vẫn mang đậm nét hoang sơ của núi rừng với những vách đá tai mèo sừng sững, những thửa ruộng bậc thang trải dài như vô tận cùng nhiều khe suối, thác nước, hang động tuyệt đẹp. Trong đó, cao nguyên đá Đồng Văn đã được công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010.

Theo định hướng phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2020, tỉnh tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn thiên nhiên, khu sinh thái hiện có tại các địa phương; thực hiện đồng bộ quy hoạch tổng thể phát triển công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn với 4 trung tâm du lịch chính; đồng thời xây dựng trung tâm thương mại và dịch vụ du lịch – vui chơi giải trí tại khu vực cửa khẩu.

Thác Bản Giốc (Cao Bằng)

Cao Bằng là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng với hệ thống di tích lịch sử phong phú gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1941- 1945. Bên cạnh đó, địa hình đa dạng cũng tạo cho Cao Bằng nhiều hang động, thác nước kỳ vĩ, có giá trị du lịch cao.

Để phấn đấu đến năm 2020 đưa Cao Bằng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực và cả nước với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, tỉnh định hướng phát triển 6 cụm du lịch theo đặc trưng riêng, bao gồm: thành phố Cao Bằng và phụ cận; khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Bó và phụ cận; thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao và phụ cận; khu du lịch sinh thái Phja Oắc- Phja Đén, rừng Trần Hưng Đạo; khu di tích lịch sử cách mạng và khu du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Trong đó, khu di tích Pắc Bó và khu du lịch thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao được ưu tiên đầu tư xây dựng thành khu du lịch quốc gia.

Hồ Ba Bể (Bắc Kạn)

Bắc Kạn là tỉnh vùng núi có cấu tạo địa chất đặc biệt hình thành nên nhiều hang động, thác ghềnh, hồ nước tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, nơi đây còn có tài nguyên du lịch nhân văn phong phú với các làn điệu dân ca mượt mà, các di tích lịch sử cách mạng thuộc khu ATK...

Thực hiện Nghị quyết về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tỉnh đã quy hoạch đầu tư xây dựng khu du lịch Ba Bể trở thành trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh và khu vực với các loại hình du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, tham quan di tích văn hóa, lịch sử và các lễ hội truyền thống của địa phương, đầu tư khu du lịch Ba Bể trở thành một trong 46 khu du lịch quốc gia. Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng đầu tư các dự án trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang)

Được coi là "Thủ đô kháng chiến" trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang hiện vẫn còn lưu giữ quần thể di tích lịch sử cách mạng phong phú. Bên cạnh đó, thiên nhiên cũng ban tặng cho mảnh đất này cảnh quan non nước thơ mộng, hữu tình.

Xác định du lịch là một trong bốn lĩnh vực đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tuyên Quang đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án du lịch văn hóa lịch sử tại khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; du lịch sinh thái ở khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, núi Dùm gắn với các bản văn hóa dân tộc thiểu số; du lịch nghỉ dưỡng ở suối khoáng nóng Mỹ Lâm và du lịch vui chơi giải trí tại thành phố Tuyên Quang.

Động Nhị Thanh (Lạng Sơn)

Không chỉ sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú cùng các di tích văn hoá lịch sử đặc sắc, Lạng Sơn còn có 253km đường biên tiếp giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (đường bộ) và Đồng Đăng (đường sắt). Đây là lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch cửa khẩu.

Triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lạng Sơn giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật vào một số khu, điểm du lịch tiềm năng trên cơ sở các quy hoạch đã phê duyệt như: đầu tư Mẫu Sơn thành khu du lịch quốc gia; quy hoạch chi tiết khu danh thắng Nhị Thanh, Tam Thanh - thành nhà Mạc; đẩy mạnh thực hiện các dự án tại khu du lịch sinh thái hồ Nà Tâm và các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố Lạng Sơn; phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu. 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa)

Khu vực tây Thanh Hóa thu hút du khách không chỉ bởi cảnh quan núi non hoang sơ, kỳ vĩ mà còn bởi bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Cho đến nay, loại hình du lịch phát triển nhất ở khu vực này là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Hiện Thanh Hóa đang quy hoạch và triển khai các dự án thu hút đầu tư phát triển du lịch ở khu vực phía tây, trong đó tập trung vào các khu, điểm du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử đặc sắc như: thác Ma Hao, suối cá Cẩm Lương, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, khu di tích Lam Kinh…

Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An)

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, khu vực tây Nghệ An có cảnh quan thiên nhiên đa dạng bao gồm hệ thống rừng, hang động, thác nước kỳ vĩ, tập trung chủ yếu ở khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (bao gồm vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt) đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đặc biệt, 2/3 dân số sinh sống trong khu dự trữ sinh quyển này là đồng bào dân tộc Thái với bản sắc văn hóa phong phú.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020, khu vực phía tây của tỉnh được định hướng xây dựng thành một trong những không gian du lịch quan trọng, tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với mô hình du lịch cộng đồng tại một số bản dân tộc trong phạm vi khu dự trữ sinh quyển.

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương cũng như toàn vùng, những năm qua, các địa phương vùng Tây Bắc đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch như miễn hoặc giảm tiền thuê đất xây dựng; hỗ trợ và tư vấn các thủ tục pháp lý cần thiết cho nhà đầu tư; hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông, điện nước, thông tin liên lạc tại các điểm du lịch; hỗ trợ vay vốn đầu tư du lịch và đào tạo nghề… Với phương châm tạo môi trường đầu tư tốt, khuyến khích xã hội hóa đầu tư du lịch, các địa phương chủ trương đa dạng các thành phần đầu tư, từ đầu tư nước ngoài 100% vốn đến đầu tư liên doanh và đầu tư thuộc các tập đoàn lớn.

Trên cơ sở khai thác toàn diện các thế mạnh du lịch cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và các địa phương, đặc biệt từ Ban chỉ đạo Tây Bắc,sự đầu tư có hiệu quả của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tương lai không xa, Tây Bắc sẽ hình thành được thương hiệu du lịch đặc trưng của vùng, đồng thời khẳng định được vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam.  

Bài: Phạm Phương; ảnh: TITC