Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, cơ quan này đã có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối Nhà hát thành phố Hải Phòng.
|
Nhà hát Thành phố Hải Phòng. (Nguồn ảnh: haiphongtangtruongxanh.gov.vn) |
Nhà hát thành phố Hải Phòng còn có tên gọi là Nhà hát Lớn Hải Phòng, do người Pháp xây dựng trong thời gian từ năm 1904 - 1912 trên nền một khu chợ cũ.
Công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc Baroque. Loại hình kiến trúc này xuất hiện ở Italy rồi chuyển sang Áo, Tây Ban Nha, Pháp; sau đó trở thành khuynh hướng chủ yếu từ cuối thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 18.
Bên cạnh đó, có 5 di tích khác thuộc địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Bình và Điện Biên cũng được công nhận là di tích cấp quốc gia trong đợt này.
Cụ thể, các di tích được xếp hạng bao gồm:
1/ Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc (xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).
2/ Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Sùng Khánh (xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc).
3/ Di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Trúc Lâm (thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
4/ Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phương Viên (thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
5/ Danh lam thắng cảnh hang động Khó Chua La (xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, Điện Biên).
6/ Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà hát thành phố (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng).
Thông tin trên được nêu rõ tại các Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xếp hạng di tích quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình.