Điệu lý Cơ Tu (Quảng Nam) trở thành di sản
Cập nhật: 11/12/2015
Nói lý - hát lý của người Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Quảng Nam cùng với Nghề dệt thổ cẩm, Vũ điệu Tân tung Da dá, một lần nữa di sản của đồng bào Cơ Tu mới đây được vinh danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
 
Ảnh Internet

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố 17 di sản văn hóa phi vật thể mới vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, thuộc 5 loại hình: lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; tiếng nói, chữ viết; nghệ thuật trình diễn dân gian và nghề thủ công truyền thống.

Loại hình ứng khẩu độc đáo

Nói lý - hát lý là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo và đặc sắc, tồn tại từ thời xa xưa của người Cơ Tu. Loại hình ứng khẩu kết hợp giữa nói với hát, giữa lời ăn tiếng nói với nhạc điệu mang tính tự sự của già làng để giao lưu, tâm tình, quan hệ, xử sự với nhau trong cuộc sống cộng đồng.

Chỉ có những người lớn tuổi có năng khiếu bẩm sinh, thường từ 50 trở lên và đặc biệt là già làng mới có được cái uy để tổ chức và tham gia nói lý - hát lý. Họ là những người đã được dân làng lựa chọn, hội tụ đủ những yêu cầu cho một nghệ nhân hát lý như am hiểu phong tục tập quán, đỉnh đạt, tự tin... Do vậy, các “đối tác” phải ngang sức ngang tài, trước khi hát lý phải suy nghĩ cân nhắc và chắt lọc câu chữ thích hợp, để bên kia hiểu được nội dung và có cách đối đáp nhịp nhàng.

Nói lý - hát lý thường được thể hiện trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ và các lễ hội truyền thống ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em... Đặc biệt, trong đám cưới người Cơ Tu thường sử dụng nghệ thuật nói lý - hát lý khá phổ biến. Đại diện nhà trai, nhà gái thông qua câu nói lý - hát lý để trao đổi, giải quyết những thủ tục trong cưới hỏi, hai bên sui gia được thông hiểu nhau hơn. Và những ý tứ, tình cảm sâu sắc được dành cho cô dâu chú rể, nhằm chúc mừng, bảo ban, tác hợp lứa đôi, để họ hạnh phúc bên nhau suốt cả cuộc đời.

Nói lý - hát lý còn được dùng như một phương tiện lý tưởng để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc… Nhờ lời ngâm nga chân tình, thâm thúy của già làng mà người với người xích lại gần nhau, từ mối bất đồng đến hoà giải, từ sự đấu tranh đến thương thuyết, từ sự giằng co đến lúc mọi việc được dàn xếp yên ổn. Lời hát lý của già làng khuyên hai bên phải nghe lời phân xử, hướng đến mối quan hệ tốt đẹp. Đây là câu hát của vị lão làng khuyên người này hãy bỏ qua sai lầm của người kia: “Giỏi như con cáo, con sói mà có khi sai đường để rồi mang hoạ. Không bỏ qua cái sai của người để cái bụng mình khổ vì tức giận thì không khác chi mang thêm hòn đá vô ích trong cái gùi của mình...”. Nói lý - hát lý chính là luật tục, là tập quán pháp, là những chuẩn mực được đồng bào đặt ra để duy trì nếp sống tự quản của dân làng, hàm chứa những nội dung, tinh thần của pháp luật hiện hành. Chính điều này làm cho nói lý - hát lý tự thân nó mang tính nhân văn sâu sắc.

Thể hiện lời ăn tiếng nói người Cơ Tu

Đồng bào Cơ Tu rất hiếu khách, khi có khách quý đến thăm hay chào mừng cán bộ cấp trên, đồng bào cũng thường hay hát lý để chúc mừng. Chủ nhà thường đem rượu và đồ ăn ra mời và từ đây bắt đầu những câu hát lý. Ở đây câu chữ mang từ ngữ ẩn ý nhằm thể hiện trong ứng xử, lời ăn tiếng nói, biểu hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu. Câu hát của người chủ trước hết là để chào mừng vị khách đến chơi nhà, sau đó khiêm tốn xin lỗi vì nhà mình còn nghèo, việc tiếp khách còn vụng về, đàn bà nấu cơm không dẻo, thịt không béo... chỉ có tấm lòng mến khách: “Tôi ước mơ nuôi con trâu to nhưng do thiếu dây không xỏ mũi được, nó phải đi nơi khác; tôi muốn bắt cá to nhưng thiếu lưới cước, nó phải nhảy đi sông khác. Vì vậy không có gì tiếp đón, mong khách thông cảm”.

Cái khó của nói lý - hát lý là không có bài mẫu chung để học hát, học nói mà nó phụ thuộc vào việc ứng khẩu của người đưa ra, trình độ, khả năng kinh nghiệm của từng nghệ nhân, người hát. Cái hay nhất của nói lý - hát lý chính là dùng một hình tượng để chỉ một sự việc với những hình ảnh ví von vì thế ngôn từ của nói lý - hát lý luôn ẩn ý. Các làn điệu làm nên âm hưởng cho hát lý là Ka lơi, Cha chấp, Rơah, Kalâu-Kalênh và điệu Nơơi. Sự hứng thú, say mê của nghệ nhân tham gia hát lý được lên cao nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ, âm điệu, sự tán dương, khen ngợi của người nghe khi được thưởng thức lời ca và cảm nhận được những ý tứ sâu sắc từ người lĩnh xướng. Họ chính là linh hồn của buổi nói lý - hát lý.

Ngày nay, trong sinh hoạt lễ hội, giải quyết công việc trong nội bộ cộng đồng, người Cơ Tu vẫn sử dụng lối nói lý - hát lý. Đêm đêm, bên bếp lửa hồng, mọi người tụ tập để nghe già làng kể chuyện và tâm tình qua lại bằng lời hát lý thấm đẫm tình người. Người Cơ Tu có quyền tự hào về nét sinh hoạt văn hóa nghệ thuật có một không hai của dân tộc mình.

langvietonline.vn