Chiều 24/12, lễ khánh thành Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng đã được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Thế Âm, thuộc quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.
|
Ảnh Internet |
Đây được xem là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là bảo tàng ngoài công lập thứ 3 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (sau Bảo tàng Văn hóa Việt và Bảo tàng Đồng Đình).
Bảo tàng trưng bày khoảng 200 hiện vật được xác định là cổ vật có giá trị không chỉ về mặt tâm linh trong tín ngưỡng Phật giáo mà còn là hiện vật di sản văn hóa lâu đời, được các chùa trên địa bàn thành phố gìn giữ suốt hàng trăm năm qua.
Các cổ vật, hiện vật quý điển hình cho văn hóa Phật giáo có niên đại từ thế kỉ VII-VIII đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Trong đó, có nhiều cổ vật mang giá trị tâm linh, tín ngưỡng và văn hóa đặc trưng như: Tượng bạch ngọc Quan Thế Âm tống tử tạc hình Phật Bà đang bế một trẻ nhỏ trên tay; nhóm 8 tượng Phật Mật Tông; bức tranh khảm xà cừ hình Đức Phật nhập Niết bàn; tượng Quan Âm tứ thủ; tượng Phật Di Lặc... cùng nhiều cổ vật, hiện vật khác như tượng Phật, mộc bản kinh Phật, đồ thờ cúng, nhạc khí…
Cuối năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại chùa Quán Thế Âm. Theo ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng, Bảo tàng kỳ vọng sẽ góp phần giới thiệu văn hóa Phật giáo vốn có vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, đồng thời, góp thêm một điểm đến hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Đà Nẵng.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, các hiện vật tại Bảo tàng ẩn chứa nhiều giá trị quý báu cần được tìm hiểu sâu hơn. Việc mở cửa Bảo tàng là một cách để các hiện vật được tiếp cận với công chúng, trong đó có nhiều người là các chuyên gia trong lĩnh vực này.