Nhằm tạo một sân chơi văn hoá cho du khách trong những ngày đầu xuân, và hiểu thêm về sinh hoạt văn hoá của dân tộc Việt Nam trong ngày Tết cổ truyền, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình vui Xuân Đinh Hợi từ ngày 20/2/2007 đến ngày 25/2 (từ mồng 4 đến mồng 9 Tết âm lịch).
Theo đó, từ 4 - 5 (Tết âm lịch) sẽ diễn ra một số trò chơi dân gian đặc sắc trong các dịp hội xuân ở làng quê Việt Nam như: múa tứ linh, đánh pháo đất, đi cầu tre, đi cà kheo…
Từ mồng 4 - 9 (Âm lịch), vào lúc 10h, 11h30, 14h30, 16h tất cả các ngày trong tuần là chương trình trình diễn Múa rối nước dân gian của phường rối nước Hồng Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương với các tích trò độc đáo vui nhộn phản ánh sinh hoạt, lao động sản xuất của người nông dân Việt Nam hay các câu chuyện cổ tích, câu chuyện lịch sử như: Tễu giáo đầu, Quy đốt lá xuý - bật cờ mở lọng, Đấu ngựa cửa sóc, Cắm cờ hội, Múa rồng, Lân vờn cầu, Đấu vật, Chọi trâu, Nhi đồng hý thuỷ, Múa rắn, Cáo bắt vịt, Tứ linh, Múa cá, Bát tiên, Câu ếch, Cày cấy, Phù Đổng đánh giặc Ân.
Sau khi xem trình diễn, du khách sẽ được tham gia các hoạt động như giao lưu, trao đổi với các nghệ sĩ biểu diễn, tham gia tập điều khiển con rối trên sân khấu rối nước thu nhỏ. Đây là hoạt động hấp dẫn đặc biệt đối với trẻ em.
Thứ bảy, chủ nhật, (8-9 âm lịch) là các trò chơi dân gian của một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam: ném pao, đánh lông gà của người Hmông, trò chơi sắc màu, trò chơi sỏi đá của người Ê Đê. Riêng ngày Chủ nhật (mùng 9 âm lịch) có thêm Múa sạp của người Thái, ném còn của người Tày và vào lúc 16h sẽ là chương trình thuyết trình, trình diễn, giao lưu trao đổi tìm hiểu về nghệ thuật ca trù – di sản văn hoá độc đáo của Việt Nam.
Với các hoạt động phong phú và đa dạng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hy vọng sẽ đem đến cho du khách những giây phút thư giãn thoải mái và tận hưởng những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam nhân dịp đầu xuân này.