Hàng ngàn người tham gia lễ hội hang Bua
Cập nhật: 29/02/2016
Ngày 28/2, hàng ngàn người dân khắp nơi kéo về tham gia lễ hội hang Bua ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

Hang Bua là một danh thắng được thiên nhiên ban tặng với vẻ đẹp nguyên sơ, nằm trên dãy núi đá vôi "phà én" thuộc hệ thống dãy Trường Sơn, phía bắc huyện Quỳ Châu. Được hình thành cách đây hàng triệu năm, hang Bua gắn liền với nhiều phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái. 

Hiện nay, cùng với sự tồn tại của hang Bua, nhiều sự tích về thần núi, thần nước và chuyện tình về chàng Khủn Tinh và nàng Ni còn tồn tại và được biết đến qua dấu tích bằng đá.

Theo lời kể của những già làng Mường Chiềng Ngam, truyền thuyết về hang Bua là một câu chuyện tình yêu cảm động của chàng trai bản với cô gái xinh đẹp nhất vùng. 

Chuyện kể rằng: thuở xa xưa, nơi đây là một vùng đất trù phú. Trong vùng, ngay trước cửa hang lớn là một ao hoa sen rộng có đến hàng mẫu, vào mùa sen nở tỏa hương thơm khắp cả một vùng. Ngay cả cửa hang cũng mang dáng một đài sen đang nở, nên nơi này thuở đó còn gọi là bản Bua (tức bản Sen). 

Thuở đó, trong vùng có người con gái ở bản giàu có tên gọi là nàng Ni rất xinh đẹp. Đến tuổi cập kê, nàng Ni từ chối những lời hò hẹn của các chàng trai con nhà giàu khác bởi nàng đã đem lòng yêu Ban, một chàng trai nghèo hiền lành chân thật nhà ở cuối bản. Vốn là con gái một phìa bản giàu có, nhiều thế lực, bố mẹ nàng ngăm cấm không cho nàng được tự do đến với người mình yêu. 

Để chia lìa đôi tình nhân, bản sai chàng Ban vào Thẳm Bua (hang Bua) để diệt loài thuồng luồng hung dữ chuyên gây hại cho dân bản. Ban không hề hay biết lần ra đi này là cái bẫy mình bị người khác hãm hại. Chàng cứ đi mãi và không trở về. Nàng Ni ở nhà đợi mãi, đợi mãi mà không thấy người yêu quay trở lại, nàng nhất quyết đi vào hang sâu để tìm chàng.

Qua bao ngõ ngách trong lòng hang, trải bao vất vả, nàng men theo những bậc đá lên tới đỉnh Thẳm Bua, ngồi đó đợi chàng. Nàng ngồi vậy khóc thương người yêu không biết bao ngày, cho mãi đến khi nước mắt cạn kiệt nơi phiến đá lớn trên đỉnh Thẳm Bua. 

Phiến đá từ đó được người đời gọi là Choong Nang (giường đá nàng Ni); những giọt nước mắt của nàng ngấm qua đá núi từ bao đời thành những giọt thạch nhũ long lanh trong lòng hang Bua. Từ đó, hàng năm người ta lại tổ chức lễ để nhớ về tình yêu của đôi trai gái. 

Năm 1997, hang Bua được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận và cấp bằng là danh thắng Quốc gia. 

Ông Vi Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, kiêm Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội hang Bua năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 27/2 đến ngày 29/2 (tức ngày 21-23 tháng Giêng). Dự kiến sẽ có khoảng một vạn du khách xa gần về dự hội. 

Trong lễ hội hang Bua, nhiều trò chơi dân gian mang đậm truyền thống của người dân tộc Thái cũng được tổ chức như bắn nỏ, ném còn, thi mời rượu cần, thi nấu ăn…

Báo ANTĐ