Vừa qua, tại cảng cá Tam Giang, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã đón nhận Hát bả trạo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
|
Hát bả trạo (ảnh: Internet) |
Hát bả trạo là một thể loại dân ca độc đáo trong kho tàng văn hóa dân gian xứ Quảng. Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, một hình thức diễn xướng nghi lễ của không chỉ các nghệ nhân mà còn của cả cộng đồng cư dân vạn chài tham gia.
Hát bả trạo có sự kết hợp nhuần nhuyễn về nghệ thuật, nghi lễ, múa dân gian với âm nhạc dân ca truyền thống của cư dân miền biển. Vì vậy bả trạo rất dễ hát, dễ thuộc, dễ nghe và dễ đi vào lòng người.
Hát bả trạo được tổ chức vào dịp lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông vào đầu Xuân năm mới, trước hành trình ra biển của ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung và của ngư dân Quảng Nam nói riêng.
Hát bả trạo và các nghi lễ trong Lễ hội cầu ngư, lễ tế thần Nam Hải gắn chặt với các làn điệu dân ca có giá trị nghệ thuật cao.
Hát bả trạo ở Quảng Nam cũng dùng các hình thức như hát nam, hát khách, tán, nói lối xoay quanh nội dung ca ngợi công đức của cá Ông hiển linh cứu người trong cơn nguy biến, cầu mong đánh bắt được nhiều hải sản đồng thời mô tả tinh thần lạc quan, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của ngư dân trong quá trình mưu sinh nhọc nhằn trên biển cả nhằm vươn tới cuộc sống ấm no, đầy đủ. Mỗi khi bả trạo được xướng lên thì cả nghệ nhân đến người xem đều một mực thành tâm cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng đến với mọi người, mọi nhà.
Ngày nay, ở mỗi xã vùng biển tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Núi Thành nói riêng đều có ít nhất một đội hát bả trạo để phục vụ trong các dịp lễ, dịp Tết, lễ tế cá Ông, lễ cầu ngư đầu năm mới của cư dân vạn chài.