(TITC) – Hát Xoan là di sản văn hóa độc đáo của nhân dân Phú Thọ, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cổ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình hay Ca môn đình (hát cửa đình); theo tương truyền, đây là lối hát thờ thần có từ các thời Vua Hùng.
Ngày 24/11/2011, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 (UNESCO) họp tại Bali – Indonesia công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 30/3/2016 tại Hà Nội, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, trong suốt 4 năm vừa qua, chính quyền và nhân dân Phú Thọ đã nỗ lực hết mình để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan.
Từ lúc chỉ có hơn 100 đào, kép hoạt động không đều, quá nửa đã trên 60 tuổi tại các phường Xoan gốc và chỉ có 7 trong số các nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành và truyền dạy. Tính đến nay, toàn tỉnh có 4 phường Xoan gốc, 30 Câu lạc bộ Hát Xoan với trên 1.200 người tham gia thực hành Hát Xoan. Trong đó, số thành viên tham gia các Câu lạc bộ Hát Xoan là trên 1.100 người, tăng hơn 23 lần so với thời điểm trước khi Hát Xoan được UNESCO công nhận năm 2011.
Ông Hà Kế San cho biết, ngày 31/3 vừa qua, hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được gửi đến UNESCO để đề nghị ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông cũng cho biết thêm, hồ sơ đệ trình UNESCO lần này đã được chuẩn bị công phu từ phóng sự giới thiệu về di sản đến các tư liệu ảnh và nội dung. Hồ sơ đã tập trung khẳng định được những điểm nổi bật gồm: Hát Xoan là một di sản đặc sắc, đại diện cho cộng đồng Phú Thọ; Hát Xoan được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác thể hiện bằng những gương mặt cụ thể của các thế hệ đang tham gia trình diễn và thực hành Hát Xoan; Sức sống trường tồn của Hát Xoan trong đời sống hiện nay thông qua việc phát triển các câu lạc bộ, những người yêu thích và công chúng của Hát Xoan. Đồng thời hồ sơ cũng thể hiện chương trình bảo tồn Hát Xoan có tầm nhìn đối với thế hệ trẻ với việc có nhiều trường học đưa Hát Xoan vào chương trình giảng dạy, các tiết học lịch sử địa phương, văn hóa âm nhạc…
Để quảng bá rộng rãi, giới thiệu sâu hơn về Hát Xoan cho công chúng và khách du lịch, Ban Tổ chức Lễ giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2016 lồng ghép nhiều chương trình đặc sắc liên quan tới Hát Xoan trong dịp tổ chức lần này như: Trưng bày tư liệu, hiện vật về văn hóa phi vật thể Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa. Bên cạnh đó, nhằm giáo dục và bồi dưỡng các nhân tài thế hệ trẻ, Phú Thọ còn tổ chức Liên hoan Hát Xoan thanh thiếu nhi Thành phố Việt Trì lần thứ III; Hội trại văn hóa và Liên hoan văn nghệ quần chúng, hát Xoan và dân ca Phú Thọ…
Tin, ảnh: Hương Lê