Phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp
Cập nhật: 17/04/2016
(TITC) - Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hanoi 2016, sáng 16/4/2016, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo xây dựng Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Toàn cảnh buổi hội thảo

Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến du lịch các địa phương và các doanh nghiệp du lịch.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh tầm quan trọng của thương hiệu du lịch đối với nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch. Năm 2015, Tổng cục Du lịch đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội thảo là dịp phổ biến và lấy ý kiến của các đại biểu về Đề án Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phó Tổng cục trưởng hi vọng các đại biểu tham dự hội thảo tích cực đóng góp nhằm hoàn thiện đề án. Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt sẽ trở thành cơ sở cho phát triển sản phẩm, marketing và quảng bá du lịch Việt Nam.

Theo ông Lê Tuấn Anh -  Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Du lịch), đại diện nhóm xây dựng đề án Chiến lược, thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh của điểm đến du lịch trong nhận thức của các thị trường mục tiêu, thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến du lịch so với các điểm đến du lịch khác. Như vậy, xây dựng thương hiệu du lịch điểm đến cần hướng đến thị trường mục tiêu và tạo ra sự khác biệt. Theo đó, du lịch Việt Nam sẽ tập trung truyền tải và làm nổi bật giá trị bản sắc thương hiệu thông qua 4 giá trị cốt lõi (thời gian, sự cam kết, cảm xúc mãnh liệt, sự huyền bí) gắn với 4 dòng sản phẩm du lịch (du lịch văn hóa; du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái, thiên nhiên; du lịch thành phố) bằng cách đẩy mạnh truyền thông thương hiệu, thể hiện sự nhất quán và đồng bộ ở logo, slogan, website, ấn phẩm quảng bá, chiến dịch marketing, phong cách thiết kế, hình ảnh và thái độ ứng xử của các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc hội thảo

Trong thời gian tới, Chiến lược đặt mục tiêu tập trung phát triển một số thương hiệu điểm đến du lịch nổi bật, chất lượng cao, cụ thể: du lịch văn hóa (Hà Nội, Hội An - Huế, nếp sống đặc sắc khu vực miền núi phía Bắc), du lịch biển, đảo (Hạ Long, Phú Quốc, Nam Trung Bộ), du lịch thiên nhiên (miền núi phía Bắc, Phong Nha – Kẻ Bàng, Đồng bằng sông Cửu Long); phát triển các điểm đến thứ cấp theo hướng bền vững; xây dựng bản đồ/con đường ẩm thực Việt Nam.Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, một trong những yêu cầu cấp thiết là nâng cao nhận thức và kỹ năng của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng các khu du lịch về phát triển thương hiệu du lịch, thể hiện trên bốn cấp độ: thương hiệu du lịch điểm đến quốc gia, thương hiệu điểm đến du lịch vùng và địa phương; thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm. Phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực và đóng góp của tất cả các bên liên quan và của toàn xã hội.

Về giải pháp, Chiến lược ưu tiên giải pháp về xúc tiến quảng bá, cùng với những giải pháp đồng bộ, dài hạn như tuyên truyền và nâng cao nhận thức về phát triển thương hiệu; cơ chế, chính sách và đầu tư; hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp du lịch; tăng cường năng lực quản lý; tăng cường liên kết và phối hợp liên vùng và liên ngành; hợp tác quốc tế. Đồng thời, chiến lược cũng định rõ khung kế hoạch hành động cho từng năm, gắn với từng nhóm thị trường mục tiêu cụ thể để tập trung nguồn lực và phát huy hiệu quả các hoạt động quảng bá thương hiệu; tập trung đẩy mạnh ứng dụng marketing điện tử trong quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam; duy trì tuyên truyền, phổ biến thương hiệu du lịch Việt Nam và nâng cao nhận thức của các bên liên quan, cộng đồng về trách nhiệm và niềm tự hào tham gia phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam.

Các đại biểu chủ trì phần thảo luận

Chia sẻ kinh nghiệm làm truyền thông thương hiệu, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê cho biết một số sai lầm thường mắc phải trong làm thương hiệu điểm đến, đó là: tham vọng truyền tải quá nhiều thông điệp và thường bỏ qua việc lựa chọn nội dung truyền thông phù hợp với từng thị trường trong khi mỗi đối tượng khách có nhu cầu khám phá và tiếp nhận thông tin khác nhau; sử dụng ngôn từ quá thông dụng không thể hiện được sự khác biệt và vị thế cạnh tranh; định vị thương hiệu dựa trên những giá trị thông điệp mong muốn mà không chú trọng đến cảm xúc của du khách. Ông nhấn mạnh phát triển thương hiệu điểm đến du lịch cần phải tập trung vào 2 yếu tố là sự nổi trội và cảm xúc; không chỉ truyền thông uy tín và quảng bá đặc tính của thương hiệu mà quan trọng hơn cả là lấy cảm xúc làm điểm nhấn để thương hiệu mang lại ấn tượng và cảm xúc chạm được đến trái tim du khách. Ông Vinh đưa ra 2 ví dụ về sự thành công trong phát triển thương hiệu điểm đến là Lake Tahoe với slogan “Step into the Blue” lựa chọn truyền tải thông điệp mời gọi du khách đến khám phá màu xanh - điểm nổi trội khác biệt so với điểm đến khác; hay San Diego với “Happiness is calling” lựa chọn chỉ số hạnh phúc để quảng bá tới du khách cảm xúc hạnh phúc khi đến San Diego.

Qua thảo luận, các đại biểu nhận định du lịch Việt Nam đã xác định được các giá trị thương hiệu là thời gian, sự cam kết, cảm xúc mãnh liệt nhưng chưa tìm được giá trị cốt lõi, ý tưởng trung tâm của thương hiệu. Đóng góp ý kiến về lựa chọn ý tưởng trung tâm của thương hiệu du lịch Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh cho rằng có thể dựa vào tính đặc trưng, sự đa dạng của ẩm thực Việt Nam bởi vì ẩm thực phản ánh văn hóa đa dạng, tinh tế và nét đặc trưng vùng miền, do đó cần nghiên cứu thị trường xác định nét đặc trưng khác biệt của ẩm thực Việt Nam so với các nước trong khu vực. Ông Colin Pine - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm cho rằng có thể khai thác yếu tố con người Việt Nam thân thiện, tình cảm làm ý tưởng trung tâm của thương hiệu du lịch. Các đại biểu nhấn mạnh tạo dựng hình ảnh điểm đến, xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch là trách nhiệm và cần sự đóng góp của các bên liên quan và của toàn xã hội.

Để phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, các đại biểu thống nhất trong thời gian tới cần chú trọng: Xác định giá trị cốt lõi rõ ràng gắn với từng thị trường, từ đó truyền tải thông điệp bằng các công cụ khác nhau và truyền thông thương hiệu mạnh mẽ; Triển khai công tác truyền thông thương hiệu theo từng chiến dịch; Xây dựng chiến lược marketing và truyền thông phải đảm bảo phù hợp với xu hướng mới; Thay đổi cách làm truyền thông, chú trọng đến truyền thông tương tác để nâng cao hiệu quả trong truyền thông thương hiệu.

Tin, ảnh: Hồng Nhung