Với chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế: Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2016 sẽ diễn ra từ 29/4 đến 4/5 với nhiều chương trình nghệ thuật, các lễ hội và hoạt động cộng đồng đặc sắc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Festival Huế 2016 đã có đại diện của 18 nước ở khắp năm châu đến trình diễn…
Với việc tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của những bản sắc văn hóa truyền thống Huế, nhiều chương trình nghệ thuật và lễ hội chính sẽ được xây dựng và làm mới. “Đêm Hoàng Cung” tại Festival Huế 2016 sẽ được làm mới với việc tổ chức thêm nhiều chương trình nghệ thuật như: Âm sắc cung đình biểu diễn nghệ thuật cung đình; Lưu luyến dáng hình Huế xưa biểu diễn thời trang cung đình và áo dài Huế; Ngự viên Cơ Hạ tái hiện những hoạt cảnh, tiểu cảnh của hoàng tử, công chúa chơi trong vườn ngự Cơ Hạ… cùng với cải tiến và nâng cao chất lượng ở các chương trình nghệ thuật vốn đã được xây dựng ở Đêm Hoàng Cung của các kỳ Festival Huế trước đó.
Lễ hội áo dài với tên gọi Nơi huyền thoại bắt đầu sẽ tiếp tục tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam với sự dàn dựng đậm sắc văn hóa Huế của đạo diễn Đinh Anh Dũng. Chương trình với sự góp mặt của hơn 10 nhà thiết kế đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam, và hơn 100 diễn viên, người mẫu và các ca sĩ nổi tiếng như Vân Khánh, Quang Linh… Công chúng yêu nhạc Trịnh cũng sẽ được thưởng thức một đêm nhạc với các ca sĩ nổi tiếng trong bầu không gian thơ mộng ven sông Hương, trên chính con đường mang tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đêm nhạc sẽ do gia đình nhạc sĩ tổ chức và được biểu diễn miễn phí cho người dân Cố đô và du khách.
Lần đầu tiên, chương trình giới thiệu tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế với tên gọi Về miền Hương Ngự sẽ được tổ chức tại đình làng Kim Long (phường Kim Long, TP Huế). Chương trình ngoài tôn vinh giá trị nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế; ẩm thực Huế… cùng với việc giới thiệu, tái hiện các làng nghề truyền thống của Huế… và một Lễ hội Quảng Chiếu của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức, với nhiều hoạt động văn hóa nổi bật, đầy tính nhân văn.
Không chỉ là các hoạt động, chương trình nghệ thuật “thuần Việt”; nhiều chương trình lễ hội chính cũng sẽ mang màu sắc quốc tế với sự hội nhập và phát triển. Tiếp tục với những thành công của các kỳ Festival Huế trước đó, chương trình Lễ hội đường phố Di sản và sắc màu văn hóa của các đoàn nghệ thuật Đông Á- Mỹ La-tinh sẽ đưa công chúng vào một không gian đầy màu sắc của lễ hội. Với sự cộng hưởng giữa tài năng điêu luyện của các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam hòa cùng sự hào hứng và nhiệt thành của công chúng sẽ tạo nên một không gian thắm tình hữu nghị tại Festival Huế 2016.
Chương trình quảng diễn đường phố mang tên Những vìsao rực sáng trong đêm tối của đoàn nghệ thuật L’Homme Debout Vùng Poitou - Charentes (Cộng hòa Pháp) hứa hẹn đưa đến cho công chúng nhiều điều mới lạ. Lần đầu tiên, một con rối khổng lồ cao 7 mét sẽ được quảng diễn kết hợp với âm nhạc, ánh sáng và pháo hoa. Vở diễn được thực hiện bởi đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp vàcó sự tham gia điều khiển của khoảng 40 người dân địa phương trong suốt hành trình…
Ngoài các chương trình chính, nhiều chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế sẽ được tổ chức ở nhiều sân khấu khắp TP Huế như: Các sân khấu ở khu vực Hoàng Cung Huế, di tích Cung An Định, Bia Quốc Học, Trung tâm VHTT tỉnh, sân vận động Tự Do, công viên Thương Bạc…; các chương trình dành cho giới trẻ như Liveshow nhạc rock, ngày hội Hip-hop; Ngày hội Khinh khí cầu…
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, Trưởng ban Tổ chức (BTC) Festival Huế 2016 cho biết: Festival Huế 2016 không chỉ có nhiều hoạt động, chương trình điểm nhấn từ ngày 29.4 đến 4.5 mà BTC còn sắp xếp kéo giãn nhiều hoạt động hấp dẫn ở các ngày liền kề, để bổ trợ cho Festival. “Vào thời điểm này, có 18 quốc gia với 22 đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ tham gia biểu diễn tại Festival Huế 2016. Cùng với đó là 12 đơn vị nghệ thuật nổi tiếng trong nước cũng hội tụ về không gian lễ hội tại Cố đô Huế. Riêng các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, lần đầu tiên BTC đã huy động tất cả để đóng góp những nét văn hóa truyền thống địa phương và dân tộc cho du khách thưởng thức”, ông Dung nói. Rất nhiều các chương trình tại Festival Huế lần này được “xã hội hóa”, trong đó có các chương trình xã hội hóa hoàn toàn như: Lễ hội Quảng Chiếu, chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn, Liên hoan Ẩm thực quốc tế Huế…
Theo BTC Festival Huế 2016, các chương trình nghệ thuật của các đoàn quốc tế khi đăng ký tham gia Festival Huế 2016 đều được BTC xem và duyệt trước khi chính thức đồng ý. Việc này nhằm nâng cao chất lượng, và tìm chọn những chương trình nghệ thuật phù hợp cho Festival Huế. Công tác thông tin tuyên truyền về Festival cũng đang được tiếp tục đẩy mạnh. Báo Văn Hóa, cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL là đơn vị bảo trợ thông tin cho Festival.