Quảng Nam khởi động Năm du lịch Tây Giang 2016
Cập nhật: 12/05/2016
Với chủ đề “Tiếng vọng đại ngàn”, tối 10/5 tại huyện miền núi Tây Giang, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp UBND huyện Tây Giang tổ chức Chương trình khởi động Năm du lịch Tây Giang 2016.
Đại diện lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận 725 cây Pơmu là Cây Di sản Việt Nam cho lãnh đạo huyện Tây Giang

Phát biểu khai mạc Chương trình, đồng chí Bh’riu Liếc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tây Giang cho biết: Chương trình khởi động năm du lịch Tây Giang 2016 được UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Tây Giang tổ chức lần này với mục đích nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về miền đất, con người Tây Giang.

Theo đồng chí Bh’riu Liếc, Tây Giang hiện vẫn là huyện nghèo, nhiều khó khăn của Quảng Nam và cả nước. Điều đó đòi hỏi Tây Giang phải bứt phá đi lên, chọn bước đi riêng cho mình một cách nhanh và bền vững. Để làm được điều đó, Tây Giang phải bám truyền thống văn hóa quý giá của cha ông để lại làm tiền đề cho phát triển bền vững. Khẩu hiệu của Tây Giang là “Lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc; lấy văn hóa phát triển văn hóa, thu hút đầu tư và du lịch”.

“Với ý thức và trách nhiệm khôi phục và bảo tồn, gìn giữ văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của quê hương là trách nhiệm của toàn xã hội, hiện Tây Giang đang tập trung phát triển du lịch dịch vụ gắn với văn hóa vùng miền, khai thác tối đa ưu thế tiềm năng sẵn có của địa phương, đó là văn hóa tộc người Cơ Tu, rừng nguyên sinh còn trên 60% diện tích tự nhiên của huyện, rất nhiều cây đặc hữu có ở Tây Giang như: lim, pơ mu, sến, chò, dổi…. Trong khi đó, Tây Giang có đỉnh núi cao trên 2000m so mực nước biển, nhiều sông suối, thác ghềnh đẹp, có đường muối xa xưa trải dài trên 30km giữa rừng sâu, nhiều chứng tích văn hóa, lịch sử cách mạng hiện còn bảo tồn, gìn giữ; nhân dân hiền hậu, siêng năng, cần cù chịu khó làm nên những ruộng bậc thang kỳ vỹ; làng bản quanh quần bên nhau ở Tây Giang rất hợp cho du khách homestay; khí hậu quanh năm mát mẻ, mưa nhiều, động thực vật đa dạng, phong phú, nhất nguồn dược liệu quý hiếm vẫn còn có ở núi rừng Tây Giang hùng vỹ này... Đây chính là tiềm năng, thế mạnh để Tây Giang bứt phá vươn lên” - Đồng chí Bh’riu Liếc nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Chương trình, đồng chí Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Tây Giang có nhiều tiềm năng và lợi thế, nếu được khai thác, phát huy tốt sẽ giúp Tây Giang phát triển. Đặc biệt, quần thể rừng Pơ mu mà Tây Giang đang sở hữu là tài sản vô cùng quý giá. Vì vậy, trong thời gian tới, Tây Giang cần gắn việc bảo vệ rừng Pơ mu với khai thác du lịch, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu, biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn không chỉ ở Tây Giang mà cả khu vực phía tây Quảng Nam. Ngoài ra, nhiều yếu tố văn hóa, nghề truyền thống như các điệu ca, lý, nghề dệt thổ cẩm… của đồng bào Cơ Tu Tây Giang cũng cần được khai thác, thu hút du khách đến với Tây Giang.

Tại Chương trình, đông đảo người dân và du khách đã được xem các nghệ sỹ trình diễn nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo, đậm sắc màu văn hóa của người dân miền núi Tây Giang; đồng thời được xem nhiều tiết mục tái diễn các lễ hội của đồng bào Tây Giang; đặc biệt là những điệu múa của các thiếu nữ Cơ Tu với vũ điệu Tân tung da dá; các điệu hát lý của người Cơ Tu…

Cũng tại Chương trình, đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận 725 cây Pơ mu là Cây Di sản Việt Nam cho huyện Tây Giang; đại diện Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao Bằng chứng nhận di sản cho Làng truyền thống Cơ Tu huyện Tây Giang; Sở VHTTDL Quảng Nam thừa ủy quyền của Bộ VHTTDL trao Bằng công nhận điệu múa Tân tung dá da, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu Tây Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo UBND huyện Tây Giang.

Dịp này, UBND huyện Tây Giang đã phát động, kêu gọi nhân dân, các mạnh thường quân là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ nghĩa tình biên giới nhằm giúp đỡ 10 bản thuộc huyện Kạlừm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào cùng chung biên giới với Tây Giang./. 

ĐCSVN