Nhân dịp Lễ hội Văn hóa và Ngôn ngữ năm 2016 diễn ra ở thủ đô Oslo, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy đã phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày về Việt Nam nhằm tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người và xúc tiến du lịch.
|
Gian trưng bày của Việt Nam và ASEAN tại Lễ hội Văn hóa và Ngôn ngữ ở Oslo. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy) |
Ban tổ chức lễ hội cũng như khách thăm quan đều đánh giá cao phần trưng bày của Việt Nam với chủ đề chính là về sơn mài, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống cũng như giới thiệu về nghệ thuật múa rối nước độc đáo.
Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai cho biết việc tổ chức giới thiệu về Việt Nam tại Lễ hội Văn hóa và Ngôn ngữ, diễn ra hôm 21/5 ở Quảng trường Tòa thị chính Oslo là một trong những hoạt động nhằm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Na Uy (1971 - 2016).
Ngoài phần trưng bày về các sản phẩm sơn mài và thủ công mỹ nghệ, Việt Nam còn giới thiệu món nem rán nổi tiếng và một số loại kẹo truyền thống.
Đoàn của Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, do Phó Giám đốc Đặng Thị Ngọc Bích làm Trưởng đoàn, đã tạo dựng một không gian Việt Nam đặc sắc tại lễ hội, với múa rối nước độc đáo, tranh và mỹ nghệ sơn mài, mây tre đan.
Khách tham quan quầy Việt Nam tán thưởng bàn tay khéo léo của nghệ sỹ sơn mài, nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tạo ra những sản phẩm đẹp, độc đáo, mang tính nghệ thuật, trang trí nội thất, đồ lưu niệm, hoặc đồ dùng hàng ngày...
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy còn phối hợp với 4 đại sứ quán của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Oslo, gồm Indonesia, Myanmar, Philippines và Thái Lan, tổ chức quầy giới thiệu về Cộng đồng ASEAN; trong đó lồng ghép giới thiệu về đất nước và văn hóa, xúc tiến du lịch Việt Nam. Quầy Việt Nam và quầy ASEAN thu hút rất đông khách tham quan.
Ngoài Đại sứ quán 5 nước ASEAN, còn có khoảng 10 Đại sứ quán khác ở Oslo tham gia tổ chức lễ hội. Tham gia tổ chức lễ hội còn có nhiều cộng đồng các sắc tộc khác nhau ở Oslo, trong đó có người dân tộc Sami bản địa của Na Uy (chủ yếu ở miền Bắc Na Uy) và nhiều cộng đồng nhập cư ở Oslo.
Ngoài việc tổ chức quầy trưng bày, các đối tác tham gia còn đóng góp nhiều tiết mục biểu diễn ca múa nhạc rất hấp dẫn.
Đây là lần thứ 10 Lễ hội Văn hóa và Ngôn ngữ của Na Uy được tổ chức nhằm tạo cơ hội để mọi người giao lưu, tìm hiểu về các văn hóa khác nhau, thể hiện thông điệp rằng, dù có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng, nhưng các cộng đồng sắc tộc khác nhau đều có thể chung sống với nhau và cùng nhau thúc đẩy hòa bình, thông qua tăng cường nhận thức và giao lưu văn hóa.