Nha Trang: Hướng đến xây dựng đô thị văn minh, thân thiện
Cập nhật: 16/06/2016
UBND TP. Nha Trang vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Đô thị văn minh - Công dân thân thiện” trên địa bàn thành phố.


Theo đó, cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, thành phố sẽ xây dựng và đẩy mạnh tuyên truyền về các quy tắc ứng xử hài hòa giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, hướng đến xây dựng một thành phố văn minh và thân thiện.


Tăng cường công tác tuyên truyền


5 năm qua, việc triển khai hiệu quả “Quy chế thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố”, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân giữ gìn trật tự giao thông”… đã góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, bộ mặt văn minh cho thành phố. Tuy nhiên, hạ tầng đô thị nông thôn chưa đồng bộ, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để mua bán, quảng cáo vẫn diễn ra. Những hành vi giao tiếp, ứng xử nơi công cộng, công sở chưa phù hợp với nếp sống văn hóa mới. Việc chèo kéo, xin ăn, đeo bám khách du lịch, ép khách mua hàng, chặt chém khách hàng vẫn còn tồn tại, đặc biệt ở các điểm tham quan du lịch, chợ, lễ hội. Tình trạng đổ nước thải ra đường, xả rác trên bãi biển, nơi công cộng vẫn còn phổ biến. Vì thế, thành phố triển khai Đề án xây dựng “Đô thị văn minh - Công dân thân thiện” với quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương đô thị, nâng cấp hạ tầng đồng bộ, nhân rộng các phong trào văn hóa…, hướng đến xây dựng một đô thị hiện đại, văn minh, con người ứng xử có văn hóa cao.

 

Theo UBND TP. Nha Trang, để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu đề án đề ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về nếp sống văn minh đô thị, văn hóa ứng xử trong các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, cộng đồng dân cư, tạo nên phong trào quần chúng rộng rãi về xây dựng nếp sống văn hóa; nhân rộng các mô hình người tốt, việc tốt, phê phán các hành vi ứng xử xấu, nhất là ứng xử với khách du lịch. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian cảnh quan cần đồng bộ giữa nông thôn và thành thị, chú trọng đến các điểm công cộng, khu du lịch, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự giao thông, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, tệ nạn xã hội. Các xã, phường hoàn thiện, bổ sung hệ thống quy ước thôn, tổ văn hóa, trong đó chú trọng bổ sung các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện vào quy ước để làm căn cứ bình xét thi đua cuối năm.


Cần chung tay thực hiện


Ông Đinh Văn Cường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố cho biết, hiện nay phòng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu chính quyền ban hành các tiêu chí chấm điểm thi đua “không có chèo kéo, đeo bám khách du lịch” cho các xã, phường; triển khai “Quy chế thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố”. Bên cạnh đó ban hành Bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực về công dân thân thiện; xây dựng cẩm nang tuyên truyền đề án cho mọi tầng lớp nhân dân; chuẩn bị tổ chức phát động đăng ký xây dựng “Phường văn minh đô thị” và “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”… “Cái khó của đề án là xây dựng hình ảnh công dân thành phố thân thiện. Bởi việc giáo dục người dân từ bỏ các phong tục, thói quen xấu, dần hình thành các thói quen, nhân cách tốt phải cần có thời gian chuyển biến. Vì thế, để đạt tiêu chí này, rất cần sự chung tay thực hiện của tất cả các ban, ngành, đoàn thể. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải đi đầu trong việc ứng xử có văn hóa cao đối với người dân, nhất là đối với khách du lịch”, ông Cường nói.

Báo Khánh Hòa