Ai đã từng đặt chân đến Phú Yên cũng đều có chung cảm nhận: đây là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, với các danh thắng rất đặc trưng. Những năm qua, dù đã có nhiều nỗ lực, tập trung đầu tư cho du lịch, song du lịch Phú Yên vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng.
Nhằm thay đổi hiện trạng này, tỉnh Phú Yên đang triển khai chương trình hành động về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Phong phú tài nguyên du lịch
Cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh Phú Yên tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc lần thứ chín - năm 2016 tại huyện miền núi Sông Hinh. Trong không gian văn hóa đa sắc màu, tỉnh công bố quyết định công nhận điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện miền núi Sông Hinh. Một số hạng mục, sản phẩm văn hóa du lịch được đầu tư ở buôn Lê Diêm là nhà rông văn hóa, cồng chiêng, trang phục, phục hồi nghề dệt thổ cẩm, làm rượu ché bằng men truyền thống… Tham quan điểm văn hóa cộng đồng này, chị Trần Thị Lệ Dung, ở thành phố Tuy Hòa nhận xét: “Đây là lần đầu tôi được biết và hiểu một số nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Tôi tâm đắc và thích thú nhất là khi được xem các nghệ nhân biểu diễn nghề dệt thổ cẩm, nghe nhạc cụ cồng chiêng và cảm nhận men rượu cần được làm từ những chất liệu núi rừng rất độc đáo. Theo tôi đây là điểm đến du lịch rất hấp dẫn”. Theo đồng chí Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, buôn Lê Diêm là vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, một trong những địa phương được tỉnh chọn hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và chương trình phát triển du lịch để xây dựng buôn văn hóa du lịch cộng đồng. Việc công nhận điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm là điểm du lịch địa phương, góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu điểm đến về văn hóa, phát triển du lịch Phú Yên.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà cho biết, để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, trong những năm qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề về phát triển du lịch của tỉnh. Trong 5 năm (2011 - 2015), tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không, như tuyến đường động lực ven biển từ thành phố Tuy Hòa đến di tích thắng cảnh quốc gia gành Đá Đĩa; tuyến đường từ thành phố Tuy Hòa đi Bãi Môn - Vũng Rô; tuyến đường từ quốc lộ 1 đến Khu di tích Nhà thờ Bác Hồ; nâng cấp quốc lộ 25 nối tỉnh Phú Yên với tỉnh Gia Lai và quốc lộ 29 nối tỉnh Phú Yên với tỉnh Đắk Lắk… Đề xuất nâng cấp, mở rộng sân bay Tuy Hòa, đưa vào khai thác các tuyến bay TP. Hồ Chí Minh - Tuy Hòa, Hà Nội - Tuy Hòa và ngược lại… Công tác đầu tư, tôn tạo các di tích, danh thắng được chú trọng; đến nay, toàn tỉnh có 19 di tích cấp quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh. Đã thu hút đầu tư và tạo điều kiện để nhà đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch, như: khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan. Tỉnh Phú Yên hiện có 130 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với 2.660 buồng, trong đó có 500 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Sản phẩm du lịch của tỉnh ngày càng phong phú với các loại hình như: tham quan di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề; đã hình thành hai tuyến và bảy điểm du lịch địa phương; hình thành các điểm biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch. Hoạt động lữ hành đã có bước phát triển khá, một số đơn vị kinh doanh lữ hành bước đầu xây dựng được các chương trình du lịch khá phong phú; tổ chức đón nhiều đoàn lữ hành, báo chí trong và ngoài nước đến khảo sát sản phẩm du lịch Phú Yên và kết nối đưa khách về Phú Yên.
Cùng với các nỗ lực trên, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được Phú Yên hết sức chú trọng. Tỉnh đã công bố biểu trưng du lịch với tiêu đề: “Du lịch Phú Yên - Hấp dẫn và Thân thiện”; tổ chức và tham gia các hội nghị xúc tiến, hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước; phát hành các ấn phẩm du lịch, quảng bá trên website du lịch Phú Yên, mạng xã hội, các phương tiện thông tin, truyền thông... Đến nay, đã có 28 dự án du lịch trong và ngoài nước sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư đăng ký 45.935 tỷ đồng; trong đó 8 dự án đã đi vào hoạt động từng phần. Lượt khách du lịch đến Phú Yên giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 20%/năm, khách quốc tế tăng khoảng 17%/năm; doanh thu du lịch thuần túy tăng 30%/năm. Đến năm 2015, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên khoảng 900.000 lượt, trong đó khách quốc tế hơn 45.000 lượt; doanh thu du lịch thuần túy đạt hơn 850 tỷ đồng.
Một tín hiệu đáng mừng là, trong hai năm qua, lượng khách du lịch đến với Phú Yên tăng đột biến. Nhất là trong các ngày lễ, tết. Gần đây nhất, trong dịp lễ 30/4 và 1/5, lần đầu tiên tất cả các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch tại thành phố Tuy Hòa (tổng cộng hơn 2.600 phòng) đều kín chỗ. Tại các điểm du lịch nổi tiếng, như gành Đá Đĩa, bãi Môn - mũi Điện mỗi ngày đón từ 4.000 đến 6.000 lượt khách đến tham quan. Lượng khách đến với Phú Yên tăng cao là kết quả từ quá trình tuyên truyền, quảng bá, liên kết của ngành du lịch Phú Yên với các tỉnh; trong đó có hiệu ứng tích cực của bộ phim nổi tiếng Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ, có nhiều cảnh quay đẹp ở những địa điểm danh thắng nổi tiếng của Phú Yên, đã thu hút sự chú ý của khách thập phương đến để trải nghiệm.
Để du lịch cất cánh
Tiềm năng du lịch nổi trội ở Phú Yên là có bờ biển dài 190km, những ngọn núi cao của dãy Trường Sơn nối tiếp nhau chồm ra biển, tạo nên những địa hình khúc khuỷu quanh co, nhiều đầm, vịnh mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú. Trong đó có vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan…, là những địa danh nổi tiếng thế giới. GS, TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông, một người con của Phú Yên từng tâm sự: “Nhìn sang các nước láng giềng, biển họ không đẹp, cát không trắng, nước không trong bằng ta, nhưng họ có những khu du lịch sinh thái tuyệt vời. Thật là tiếc nếu không đầu tư để du lịch Phú Yên phát triển. Vì nếu so sánh một số nơi trên thế giới có gành đá đĩa như ở Ô-xtrây-li-a hay Hàn Quốc đều thấy nhỏ hơn và không thể đẹp bằng gành đá đĩa ở Tuy An, nhưng họ đầu tư lớn, bài bản cho nên thu hút được nhiều khách quốc tế”.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành du lịch Phú Yên còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Trong đó, nổi lên là kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bến cảng, phương tiện vận chuyển du lịch đường bộ, đường thủy. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa hiệu quả. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Phú Yên; thiếu các dịch vụ tại các điểm đến. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư có mặt chưa tốt. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch....
Hội nghị Tỉnh ủy Phú Yên vừa qua cũng đã phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa kịp thời cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch về phát triển du lịch cho nên thực hiện chưa đồng bộ; chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch. Nhận thức của cán bộ và nhân dân trong xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện chưa cao. Việc hỗ trợ đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án du lịch còn chậm và thiếu đồng bộ. Một số dự án du lịch đã cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai làm ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và hình thành sản phẩm du lịch của tỉnh. Kinh phí đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế. Chưa huy động được nhiều nguồn lực để phát triển du lịch...
Để du lịch thật sự phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong thời gian tới, Phú Yên tập trung quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng, làm cơ sở kêu gọi đầu tư cho du lịch phát triển; chủ động hơn nữa, nhất là trong xây dựng các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; lập danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư du lịch trong 5 năm tới và các năm tiếp theo. Để Phú Yên thật sự là điểm đến thu hút khách du lịch, tỉnh cũng xác định cần chủ động hơn nữa trong việc liên kết với các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; liên kết với các đơn vị lữ hành ở hai trung tâm có nguồn khách du lịch lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, để đưa khách về Phú Yên; tổ chức cuộc điều tra, đánh giá lại nguồn nhân lực du lịch hiện nay để xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bổ sung nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch.
UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bộ quy tắc quy định những chuẩn mực, định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh, thân thiện của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch, người dân địa phương, khách du lịch khi tham gia vào các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà, sắp tới tỉnh sẽ nghiên cứu, ban hành chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư, xúc tiến đầu tư, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính… Đồng thời, sẽ có chính sách hỗ trợ về vay vốn, lãi suất, thuế, đất đai để đầu tư cơ sở vật chất trưng bày sản phẩm lưu niệm, đặc sản; đầu tư phương tiện vận chuyển khách du lịch…