Đó là nội dung hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Trung tâm Nước Việt xanh) tổ chức chiều ngày 19/7.
|
Bán đảo Sơn Trà |
Thông tin tại hội thảo cho biết, hiện nay, Đà Nẵng có 3 khu rừng đặc dụng với quy mô 31,114,5ha, chiếm 54,4% tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất cho lâm nghiệp gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà, KBTTN Bà Nà - Núi Chúa và Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân. KBTTN Sơn Trà là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vô cùng quý giá với gần 1.000 loài thực vật và gần 300 loài động vật hoang dã, trong đó có 37 loài quý hiếm được xếp vào loại nguy cấp cần ưu tiên bảo vệ. Tổng diện tích khoảng 4.400ha tại bán đảo Sơn Trà là nơi sống của hơn 300 cá thể voọc chà vá chân nâu.
Hiện tại, các dự án du lịch tại bán đảo Sơn Trà phát triển mạnh, có 17 dự án đầu tư với diện tích 1.029,6ha, làm diện tích rừng tại bán đảo Sơn Trà bị chia cắt và thu hẹp dần. Năm 2015, có 3 cá thể voọc ở Sơn Trà bị bắn chết; 6 tháng đầu năm 2016, gần 10ha rừng Sơn Trà bị chặt phá trái phép.
Anh Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Nước Việt xanh lo ngại các dự án ảnh hưởng đến môi trường sống của các loại sinh vật bị thu hẹp và chia cắt. Cụ thể, năm 2016, khu vực quy hoạch cho hai dự án ở Tiên Sa, Suối Ôm, Hố Sâu, Bãi Bắc - nơi có khoảng 16 đàn voọc (160 cá thể) sinh sống đã bị tác động mạnh do chặt phá rừng; các hoạt động du lịch tự do, thiếu kiểm soát trong khu bảo tồn; các cây trồng ngoại lai ở bán đảo Sơn Trà ngày càng tăng… Theo anh Vỹ, nên chuyển đổi KBTTN Sơn Trà thành khu Bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu; kiểm soát du khách lên bán đảo Sơn Trà và thu vé tham quan, thúc đẩy phát triển sinh kế cho người dân thông qua du lịch sinh thái; thực hiện nhanh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học Đà Nẵng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế đồng quản lý rừng của bán đảo Sơn Trà giữa các bên liên quan…
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố đánh giá, hội thảo không chỉ nêu thực trạng mà còn có những đề xuất khả thi. Theo ông Bùi Văn Tiếng, nhận thức về bán đảo Sơn Trà của người dân hiện chưa đúng mức, đầy đủ. Sơn Trà là bán đảo đặc biệt không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả đất nước. Ông Bùi Văn Tiếng đề nghị, nên công nhận voọc chà vá chân nâu là biểu tượng mới của thành phố, hướng đến thành phố môi trường; dừng việc phát triển tiếp các dự án liên quan đến bán đảo Sơn Trà, không thể làm du lịch bằng mọi giá; bảo tồn voọc chà vá chân nâu không thể tách rời việc bảo tồn bán đảo Sơn Trà; nên có sự phối hợp theo trục quốc phòng - an ninh - môi trường sinh học - phát triển kinh tế du lịch…
Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng nhìn nhận, nếu không có động thái bảo tồn bài bản, sớm muộn voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà cũng biến mất. Vì vậy, phát triển nhất định phải đi đôi với bảo tồn. “Những dự án nào thấy nguy hại đến môi trường thì nên thu hồi, dự án nào không thể thu hồi thì phải có đánh giá tác động môi trường một cách chi tiết, thực tế. Phải xem lại chức năng, nhiệm vụ của các bên quản lý, mỗi công việc cụ thể phải có một cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể. Phát triển bền vững chứ không đánh đổi bằng mọi giá”, ông Nguyễn Diễn đề xuất.