Khám phá thác Liang Dăm – Lâm Đồng
Cập nhật: 09/08/2016
Liang Dăm được xem như Thánh Gióng của người Cơ Ho. Khi đánh tan kẻ thù, chàng biến mất ở một con thác. Từ đó, tên chàng trở thành tên làng; dòng thác ngày đêm cuồn cuộn chảy mang phù sa, nước lành muôn đời nay trở thành dòng thác linh thiêng, hiện thân của chàng Liang Dăm.

Cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng ngày nay là vùng đất của nhiều dân tộc Cơ Ho, Mạ, Lạch… Theo lời kể của đồng bào dân tộc bản xứ, vào thời xa xưa, xưa lắm, trong cuộc chiến chống ngoại xâm của bộ tộc Cơ Ho, Liang Dăm xuất hiện như một anh hùng, đánh đâu thắng đó. Khi đánh đuổi giặc tới một ngọn thác, chàng bẻ cây trâm ven đường và hướng về kẻ thù. Trâm gãy tới đâu, quân giặc cứ dè nhau mà đâm chém. Giặc tan, chàng ẩn mình vào dòng nước trắng xóa của con thác mà không chờ dân làng báo ơn. Từ đó để ghi nhớ công ơn, người dân đã đặt tên làng là Liang Dăm và dòng thác cũng mang tên Liang Dăm. Sau này, tên thác đọc trại, phiên âm theo tiếng Kinh là Liên Đầm.

Không xa khu dân cư lắm nhưng thác Liên Đầm lại nằm giữa rừng già. Do địa hình trắc trở nên dân cư không xâm lấn vào không gian thác mà chỉ sống ở phía thượng nguồn. Bởi thế, thác vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ với những lối đi rêu phong, cổ kính, những cây cổ thụ vài người ôm và còn có cả những cụ cây già cỗi nhưng vẫn vững chãi, sừng sững như một tráng sĩ dũng mãnh.

Đường vào thác đã được làm những bậc thang nằm dưới tán cây xõa bóng. Ẩm ướt quanh năm, lối đi trở nên rêu phong theo tháng ngày. Suốt quãng đường chừng một cây số xuống thác mát rượi và thơ mộng. Qua mỗi khúc quanh là đi qua những khối đá lớn dựng hai bên như chiếc cổng phủ đầy rêu. Tiếng chim muông ríu rít, tiếng gió lùa trong lá rừng xào xạc và tiếng nước đổ rì rào từ xa vẳng lại tạo nên một hợp âm đầy ắp thiên nhiên mà chỉ mới cách đó vài bước chân là phố xá nhộn nhịp và tiếng động cơ ồn ào của đời sống hiện đại.

Gần tới thác xuất hiện một nhánh thác nhỏ, nhiều tầng bậc với dòng nước đổ dịu dàng, hiền hòa. Qua một chiếc cầu uốn cong, dòng thác này len lỏi qua những gốc cổ thụ rồi hòa vào dòng chính của thác lớn cuồn cuộn. Từ đây, tiếng thác đổ nghe mạnh mẽ và dữ dội như gầm như thét chứ không còn văng vẳng như khi đang bước trên lối rêu phong. Ra khỏi vòm lá là một khoảng không rộng lớn. Từ độ cao chừng 55m, nước tuôn ào ạt va vào vách đá đổ ào ào xuống dưới. Chân thác là lòng hồ rộng lớn. Chưa ai dò được độ sâu của nó bởi dòng thác đổ quá mạnh, có thể nuốt chửng mọi thứ nếu lỡ rơi vào đó. Với người Cơ Ho, đó là dòng nước thiêng, mang lại sự sống cho muôn dân và cũng là "dấu tích" còn lại của anh hùng Liang Dăm.

Cách chân thác chừng 100m, có một chiếc cầu bắc ngang qua dòng nước hung dữ. Qua cầu, xuôi theo bờ thác về hạ nguồn khoảng 200m là tới "cụ" cây xõa bóng mát rượi bên bờ. Gần gốc cây lộ ra bờ nước ước chừng 2m. Đó chỉ mới là một phần nhỏ của cây. Thân cây khổng lồ với nhiều nhánh to tỏa ra bốn hướng. Chẳng ai biết cây có tự lúc nào, chỉ biết từ khi khám phá ra thác, đã thấy "cụ" sừng sững. Người Cơ Ho nói, cây như hiện thân chàng Liang Dăm dũng mãnh, đứng hiên ngang để bảo vệ, chở che cho dân làng. Ngày xưa, người ta có thể vào rừng chặt cây về làm nhà, làm củi nhưng tuyệt nhiên không ai đụng đến cây cổ thụ này dù chỉ là một nhánh nhỏ.

Liang Dăm tồn tại trong tâm thức người Cơ Ho như một niềm tin, ước mơ lớn mạnh của dân tộc. Tên chàng được đặt cho làng, cho con thác hùng dũng. Dần dà, Liang Dăm được đọc theo tiếng Pháp, khi cao nguyên Di Linh được Bác sĩ Yersin phát hiện ra trước khi tới cao nguyên Lâm Viên; rồi người Kinh sau đó di cư tới đây và đọc trại thành Liên Đầm rồi hình thành xã Liên Đầm, một xã thuộc huyện Di Linh, cách trung tâm huyện khoảng 6km về hướng Nam. Cầu Liên Đầm bắc ngay sông Đa Ream rồi chảy qua những ngọn đồi trước khi đổ xuống vực sâu tạo thành thác Liang Dăm hay thác Liên Đầm. Khi khai thác du lịch, người ta gọi đó là thác Bobla đọc theo tiếng Cơ Ho là Pố Pla (nghĩa là đầu ngà voi) vì tương truyền nơi đây tìm được đầu voi có cặp ngà to tới mức ngựa không phi qua được. Từ đó, cái tên Liang Dăm ngày càng xa với du khách dù là tên gọi của người Cơ Ho bản địa.

Thác nằm cách xa hai trung tâm du lịch của Lâm Đồng - thành phố Bảo Lộc khoảng 30km và Đà Lạt khoảng 80km - nên địa danh này ít được đưa vào lịch trình tham quan của các đơn vị lữ hành. Phía Bảo Lộc có Đambri hùng vĩ, ở Đức Trọng có Pongour mệnh danh là Nam thiên đệ nhất thác. Tuy vậy, đây vẫn là điểm đến lý tưởng cho giới trẻ thích khám phá, săn ảnh và cắm trại để tận hưởng không gian của đại ngàn đúng nghĩa./.

Báo Cần Thơ