Nhà thờ tộc Trần là kiến trúc tiêu biểu cho loại hình nhà thờ tộc ở Hội An, tuy nằm trong khu vực phố, nhưng lại được xây theo lối kiến trúc nhà vườn.
Nhà thờ tộc Trần tọa lạc tại số 21 Lê Lợi là một trong những ngôi nhà cổ nhất tại Hội An với tuổi thọ hơn 200 năm. Nhà thờ tuy nằm trong khu vực phố, nhưng lại được xây theo lối kiến trúc nhà vườn.
Nhà thờ được xây dựng bởi một vị quan tên là Trần Tứ Nhạc, thành viên của gia tộc họ Trần. Ngày xưa ông là một vị quan rất thông minh, tài giỏi, làm việc dưới thời vua Gia Long. Vào cuối năm 1802, trước khi vua Gia Long cử ông đi sứ sang Trung Quốc, ông đã xây dựng ngôi nhà thờ này, với mong muốn thờ cúng ông bà tổ tiên và sau này để lại cho con cháu.
Nhà thờ có quy mô không lớn với không gian nội thất kiểu 3 gian, 2 nếp nhà, có 1 cửa chính và 2 cửa phụ. Cửa chính hầu như được đóng quanh năm, và nó chỉ được mở vào những dịp lễ quan trọng, như dịp lễ tết, hay ngày cúng ông bà tổ tiên, nhằm đón rước những người đã khuất trở về đoàn tụ với gia đình.
Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, khi còn trọng nam khinh nữ, nam đi ra vào ở lối cửa phụ bên phải và nữ ở bên trái theo quan niệm "nam tả nữ hữu". Quan niệm đó ngày nay không còn nữa.
Nhà thờ là sự kết hợp hài hòa và độc đáo giữa 3 nền kiến trúc khác nhau, Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam. Kiến trúc của người Nhật với tên gọi "chồng rường giả thủ" với 5 cột dọc và 3 thanh rường ngang. 5 cột dọc là "giả thủ" - 5 ngón tay trên một bàn tay, tượng trưng cho 5 yếu tố ngũ hành là Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. 3 thanh rường nằm ngang giống như 3 đường chỉ chính trong lòng bàn tay của chúng ta, tượng trưng cho 3 yếu tố Thiên - Địa - Nhân.
Mái vòm cong phía ngoài đặc trưng kiến trúc của người Trung Hoa cổ với tên gọi "bì cua vỏ rùa". Người Trung Hoa xưa quan niệm con rùa biểu tượng cho sự trường thọ, con cua biểu tượng cho sự may mắn.
Bên trong gian thờ là kiến trúc của người Việt. Kiến trúc của người Việt được thể hiện ở 3 cây cột có hình mũi tên và cung tên hướng lên trời, ông bà quan niệm, 3 mũi tên hướng lên trời sau này con cháu làm ăn phát đạt, thịnh vượng và giàu có.
Các vì kèo "trính chồng - trụ đội", vì "vỏ cua" và trên các đầu kèo đều được chạm trổ sắc sảo, đề tài trang trí rất sinh động, với những đường nét hoa văn giàu tính nghệ thuật. Mỗi bộ vì kèo, bàn ghế, hoành phi, liễn đối, khám thờ... đều là những tác phẩm chạm khắc tinh tế, cầu kỳ.
Trên bàn thờ có rất nhiều hộp gỗ. Ngày xưa, ông bà chúng ta mất, chưa có máy ảnh, gia đình phải thờ trong những hộp gỗ này. Mỗi hộp gỗ tượng trưng cho một người đã mất. Bên trong chỉ ghi lại tên tuổi và lịch sử của người đã mất, cùng với một số di vật cá nhân quan trọng, chứ không có tro cốt.
Sau gian thờ là không gian trưng bày đồ cổ của gia đình. Những hiện vật quý hiếm được bảo quản cẩn thận trong tủ kính. Mối món đồ cổ đều chất chứa những câu chuyện riêng. Những đồng tiền cổ, một số được tìm thấy trong những chum vại chôn xuống đất, số còn lại là các cụ để lại cho con cháu. Theo phong thủy, tiền xu là một trong những vật phẩm quan trọng. Tùy theo niên hiệu các đời vua mà trên tiền xu có khắc chữ khác nhau và cũng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhà thờ tộc Trần lưu giữ các đồng tiền xu từ thời Minh Mạng, Lê Tự Đức... là một trong những vật lưu niệm được nhiều du khách chọn mua.
Khu vườn nhỏ của gia đình với cây khế hơn 100 tuổi. Ngày xưa, mỗi đứa trẻ được sinh ra, ông bà cắt nhau rốn và chôn xuống dưới lòng đất với quan niệm con cháu trong gia đình sẽ luôn hòa thuận và yêu thương lẫn nhau, có đi đâu xa thì luôn nhớ về ông bà tổ tiên.