Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh sẽ tổ chức Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016 vào giữa tháng 9/2016.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu, Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016 được tổ chức nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng năm du lịch quốc gia Phú Quốc-Kiên Giang.
Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/9/2016 tại TP Bạc Liêu và một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Trong khuôn khổ lễ hội có các hoạt động chính như: Lễ dâng hương tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (ngày 12/9), Khai mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang” (ngày 12/9), Lễ giỗ tổ sân khấu cải lương (ngày 11-12/9), Bế mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang” (ngày 15/9).
Bên cạnh đó, còn có một số hoạt động vui chơi, giải trí như: Hội chợ công nghiệp-thương mại tỉnh Bạc Liêu (từ ngày 9-15/9), Hội thi ẩm thực (ngày 13/9), Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau mở rộng với sự tham gia của 18 tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ (từ ngày 13-15/9), Thi đối đáp bản “Dạ cổ hoài lang”, vọng cổ, ca cổ, hò, vè, thơ ca (từ ngày 13-14/9), Chương trình công diễn trao giải thưởng Liên hoan Đờn ca tài tử (ngày 15/9),…
Theo ban tổ chức, lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016 với nhiều hoạt động phong phú, hứa hẹn sẽ mang lại những ngày vui chơi, giải trí thú vị, ấn tượng đối với những người mộ điệu sân khấu cải lương.
Để tưởng nhớ và tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, năm 1989, tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) đã tổ chức Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhân kỷ niệm 70 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”.
Năm 1997, UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định xếp hạng Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu là di tích lịch sử cấp tỉnh và lấy ngày 15/8 (âm lịch) hàng năm để kỷ niệm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”.
Năm 2008, UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định tổ chức Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” là lễ hội cấp tỉnh và 2 năm được tổ chức một lần vào dịp kỷ niệm bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời.
Việc tổ chức lễ hội thể hiện sâu sắc sự tri ân công lao to lớn của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các bậc tiền bối đã có công đóng góp cho sự ra đời và phát triển bản “Dạ cổ hoài lang” và nghệ thuật Đờn ca tài tử, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân địa phương và du khách gần xa.