Miền Trung: Đón đoàn caravan đầu tiên trong năm Đinh Hợi
Cập nhật: 25/02/2007
Sáng 25/2/2007, Đà Nẵng đã đón đoàn caravan từ Thái Lan gồm 60 xe với hơn 90 khách. Đây cũng là đoàn caravan đầu tiên đến thành phố trong năm Đinh Hợi!


Các đoàn caravan Thái Lan nối nhau đến miền Trung

 

Đoàn caravan 60 xe tay lái nghịch với hơn 90 du khách Thái Lan đã đến Đà Nẵng sau khi có một ngày tham quan và lưu trú tại đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Theo lịch trình, đoàn đã đến tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm và trung tâm Đà Nẵng, đi mua sắm tại các chợ và rời thành phố vào buổi chiều cùng ngày.

 

Caravan - loại hình du lịch nhiều người tham gia, tự lái ô tô theo đoàn có tổ chức qua các vùng lãnh thổ của các quốc gia lân cận hoặc đến những vùng đất xa xôikhá phổ biến trên thế giới và có xu hướng phát triển ngày càng mạnh. Tính chất khám phá, mạo hiểm của caravan đã gia tăng số lượng người tham gia. Các hãng lữ hành trên thế giới đón được nhu cầu của khách, đã tổ chức các tour "đặc biệt" đến các vùng đất xa xôi, heo hút với các nền văn hóa bản địa, đặc sắc. Và việc lang thang qua các vùng miền hoang dã... đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ, ngọt ngào và hào hứng cho khách "vạn dặm đường xa".

 

Đây cũng là đoàn caravan tay lái nghịch đầu tiên đến Đà Nẵng trong năm Đinh Hợi. Trong số hơn 90 du khách Thái tham gia đoàn caravan lần này có khoảng 30 phóng viên báo chí của các đài truyền hình, báo và tạp chí chuyên ngành du lịch của Thái Lan. Đến đầu tháng 3/2007, sẽ có một đoàn lớn với 630 khách Thái đến miền Trung bằng đường bộ. Tiếp đó là 4 đoàn caravan tay lái nghịch với tổng cộng khoảng 200 khách đến từ Thái Lan.

  

Đáng nói là trong khi Thái Lan, Malaysia, Singapore đang sốt du lịch caravan, thì ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu từ những năm 1993 - 1994 và... bị “nghẽn” khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực vào năm 2002. Sau nhiều lần đàm phán, Việt Nam đã thỏa  thuận với phía Thái Lan về các tuyến điểm và các cặp cửa khẩu để lưu thông giữa các quốc gia. Đến tháng 6/2005, du lịch caravan mới được phục hồi tại Việt Nam. Theo đó, nhiều đoàn caravan quốc tế đã đến miền Trung.

 

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2006, khi cầu Hữu Nghị 2 nối Mukdahan (Thái Lan) và Savanakhet (Lào) được đưa vào khai thác thì tour du lịch caravan “một ngày đi qua 3 nước, ăn cơm 3 nơi” (Thái - Lào - Việt) xuyên Hành lang kinh tế Đông – Tây đi qua địa phận các nước thuộc tiểu vùng sông Mê kông mở rộng mới thu hút được sự tham gia và khuếch trương rầm rộ của những người làm du lịch. Riêng VN hiện có hàng chục hãng lữ hành mở tour du lịch đường bộ xuyên Đông Dương. Điều đó cho thấy du khách trong nước đã bắt đầu chú ý đến tour du lịch này.

 

Sự nhập cuộc của các công ty du lịch

 

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Giám đốc Công ty du lịch Việt Nam tại Đà Nẵng cho hay: “Chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch phát triển tour du lịch đường bộ xuyên Đông Dương, trong đó chú trọng phát triển thị trường của Thái, Lào qua các tỉnh miền Trung Việt Nam nói riêng, Việt Nam nói chung bằng việc xúc tiến lập Văn phòng đại diện tại vùng Đông Bắc Thái và Lào”.

 

Có thể nhận thấy, miền Trung - Tây Nguyên sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng. Nhiều di sản văn hóa thế giới và vùng đất Tây Nguyên bát ngát, trù phú, núi non, thác ghềnh... hùng vĩ cùng bản sắc văn hóa độc đáo, lâu đời mà đặc sắc nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thực sự là một điểm đến hấp dẫn đầy tiềm năng để khai thác nguồn du khách caravan.

 

Theo nhiều nhà kinh doanh du lịch, trong khi miền Trung - Tây Nguyên chưa có hãng lữ hành lớn, đủ mạnh để khai thác khách tốt du lịch đường biển và đường không với các chuyến bay trực tiếp từ Hồng Kông, Đài Loan... thì caravan nổi lên như một thế mạnh cho việc khai thác du khách Thái Lan, Malaysia, Singapore...

 

Ông Phùng Cư, Giám đốc Chi nhánh Công ty du lịch Tân Hồng tại miền Trung cho rằng, nếu mở rộng tuyến du lịch caravan so với lộ trình được chỉ định qua 7 tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Hội An qua 2 cặp cửa khẩu Cầu Treo - Napê và Lao Bảo - Huội Kaki như hiện nay thì du khách có thể cảm nhận đầy đủ đời sống, cảnh quan, di sản, di tích, phong tục, tập quán... đến các sản phẩm du lịch, văn hóa độc đáo, đậm chất dân dã của miền Trung, Tây Nguyên và đúng với bản chất của caravan: mạo hiểm và khám phá.

 

Sự phát triển của caravan với khách sang trọng, có mức chi tiêu cao, ở khách sạn cao cấp và khả năng mua sắm nhiều cũng được xem là một cơ hội mới và lớn, góp phần đưa du lịch miền Trung - Tây Nguyên tăng tốc. Với các cặp cửa khẩu quốc tế Na Mèo, Cầu Treo, Chalo, Lao Bảo ở miền Trung và cửa khẩu Bờ Y (Ngọc Hồi) mới được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế sẽ tạo nhiều lợi thế thúc đẩy  dòng khách vào tham quan du lịch tại khu vực.

 

Song mối quan tâm chung của caravan hiện thời là cần sự thống nhất lộ trình từ Hội An đến Kon Tum để các tour caravan từ Thái Lan vào VN qua các cặp cửa khẩu Lao Bảo, Ngọc Hồi và cả việc nâng cấp cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang, Quảng Nam) lên thành cửa khẩu quốc tế sẽ sớm trở thành hiện thực. Và từ đó, du lịch caravan xuyên Đông Dương còn có thể kết nối "Con đường di sản Đông Dương"...

 

Một điều rất được quan tâm nữa là khâu quảng bá và những cơ sở đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt cho du khách. Tổng GĐ khu du lịch Sandy Beach (Đà Nẵng) Mai Đăng Quang Đức cho hay: “Các đoàn khách lữ hành caravan có phương tiện đi đường bộ rất thuận lợi. Qua các tour này Sandy Beach sẽ có cơ hội đón những đoàn khách phù hợp với đối tượng khách của khu nghỉ mát!”.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Lữ hành Hội An thì lại bày tỏ mối lo lắng về số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ không đủ cho thị trường này như khách sạn hạng 3 sao, hướng dẫn viên tiếng Thái và xe du lịch loại lớn vào những mùa cao điểm du lịch quốc tế…

 

Hiện vẫn còn nhiều điều cần phải tiếp tục bổ sung, nâng cấp và cải thiện để việc thu hút nguồn du khách caravan vào miền Trung đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhưng có thể nói, cùng với “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”… thì “Caravan xuyên Đông Dương” cũng đang và sẽ trở thành một con đường du lịch mang lại nhiều lợi nhuận cho ngành du lịch các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Trong đó, có du lịch miền Trung Việt Nam!
VietNamNet