Hải Dương: Khai mạc “Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016”
Cập nhật: 19/09/2016
Sáng 17/9 (tức 17/8 âm lịch), tại Khu di tích Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương), đông đảo người dân địa phương và du khách đã thành kính dâng hương tưởng niệm 716 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (1300 - 2016) và khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016.

Bà con địa phương dâng hương tưởng niệm 716 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Ảnh: baohaiduong

Lễ tưởng niệm bắt đầu với màn múa lân, rồng và màn trống hội cùng chương trình văn nghệ đặc sắc. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, lãnh đạo Trung ương và tỉnh Hải Dương cùng nhân dân, du khách thập phương đã dâng nén tâm hương, tưởng nhớ đến công đức vĩ đại của người anh hùng dân tộc đối với non sông, đất nước.

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần, văn võ song toàn, hội tụ đầy đủ đức tính tốt: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Là người tài năng, lại biết giữ gìn rường mối quốc gia nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để tiếng thơm lưu truyền hậu thế. Trần Hưng Đạo là một hình tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, tinh thần quật khởi đấu tranh giải phóng dân tộc. Không chỉ là thiên tài quân sự, ông còn soạn 2 bộ sách để dạy các tướng đương thời cầm quân đánh giặc là: Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Dưới trướng của ông, nhiều hiền tài đã hết lòng phò vua giúp nước như Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng… Với những công lao to lớn, Trần Hưng Đạo đã được các vua Trần phong làm Đại vương và lập đền thờ khi còn sống tại Vạn Kiếp.

Ngày 20/8 năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo mất tại phủ đệ Vạn Kiếp, triều đình tiến phong: Thái sư thượng phụ thượng Quốc công nhân vũ Hưng Đạo Đại vương. Nhân dân Đại Việt tôn ngài là Đức Thánh Trần cửu thiên vũ đế, lập đền thờ để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài trên nền Vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, mỗi khi đất nước bị họa xâm lăng, dịch bệnh, hạn hán, mất mùa thì triều đình thường cử các quan đại thần về đền Kiếp Bạc làm lễ cầu đảo, đều ứng nghiệm.

Lễ hội quân trên sông Lục Đầu với màn trình diễn của trên 40 tàu thuyền của bà con ngư dân
xã Kênh Giang (Chí Linh). Ảnh: baohaiduong

Sáng cùng ngày, trên sông Lục Đầu đã tưng bừng diễn ra lễ hội quân với màn trình diễn của trên 40 tàu thuyền của bà con ngư dân xã Kênh Giang (Chí Linh). Các tàu thuyền được trang hoàng cờ hội sặc sỡ, ngư dân vận trang phục tướng soái, quân sĩ phất cờ múa giáo ào ào xuất phát đã tái hiện lại cảnh Trần Hưng Đạo duyệt quân năm 1285. Cùng với không khí sôi sục trên sông, trên bờ là màn biểu diễn múa rồng, lân quyền thuật, gậy, kiếm đẹp mắt của 350 võ sinh Võ Nhất Nam. Sự kết hợp thủy, bộ tạo lên khung cảnh hoành tráng, hào hùng của lễ hội quân xưa.

Lễ hội quân trên sông Lục Đầu được phục dựng thành công năm 2006 trong đề án nâng cấp lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc. Từ khi được phục dựng, lễ hội quân trên sông Lục Đầu hằng năm đều thu hút đông đảo nhân dân tham dự.

Cinet