Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới danh thắng Tràng An
Cập nhật: 21/09/2016
Ngày 20/9, tại chùa Bái Đính, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Khu du lịch Tràng An-Bái Đính là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Hội nghị nhằm tổng kết công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; giới thiệu kế hoạch quản lý di sản theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh, quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình về quản lý xây dựng trong vùng bảo vệ di sản... 

Các đại biểu dự hội nghị đã phân tích, thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản như: Quản lý hoạt động xây dựng, bảo vệ rừng đặc dụng trong phạm vi của di sản; quản lý di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường trên địa bàn các xã trong khu vực; bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững... Hội nghị cũng ký cam kết kế hoạch phối hợp quản lý, bảo vệ di sản. 

Theo ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Quần thể danh thắng Tràng An có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình cũng như của cả nước, bởi đây là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. 

Di sản đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập... Thời gian qua, các sở, ngành, đảng ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và nhân dân trong vùng bảo vệ di sản đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của công tác bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. 

Theo Ban Chỉ đạo Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Quần thể Danh thắng Tràng An có tổng diện tích trên 12.250ha, nằm trên địa bàn 20 xã, phường của 5 huyện, thành phố với lịch sử văn hóa lâu đời bao gồm 45 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Đây là di sản của giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên mang tính nổi bật toàn cầu, ít nơi trên thế giới có được. 

Ngay sau khi Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Ban Chỉ đạo Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã tham mưu cho các cấp, các ngành ban hành nhiều văn bản quy định việc giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản. Năm 2015, toàn tỉnh đón 6 triệu lượt du khách, trong đó phần lớn du khách đã tới thăm quan, khám phá Quần thể Danh thắng Tràng An. 

Để tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, thời gian tới Ban Chỉ đạo Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An tiếp tục khuyến khích đầu tư xã hội, tranh thủ các nguồn vốn, đặc biệt là vốn xã hội hóa để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong vùng di sản.

Từ nay đến năm 2018 tiến hành thăm dò, khoanh vùng, xác định tọa độ, tổ chức cắm mốc giới vùng lõi, vùng đệm của di sản; phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trường Đại học Cambridge, Trường Đại học Queens (Vương quốc Anh) tiến hành khảo cổ một số điểm đã được thám sát trong vùng di sản để làm phong phú hơn các căn cứ khoa học, bằng chứng về quá trình tương tác của người tiền sử với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm trước. 

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp tập trung khôi phục, phát triển các ngành, nghề thủ công mỹ nghệ, phục dựng làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống của cư dân trong vùng di sản, góp phần làm phong phú sản phẩm và văn hóa phục vụ du khách; đa dạng hóa công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế về di sản. 

Đặc biệt, Ban chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch chung xây dựng Quần thể Danh thắng Tràng An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; làm tốt công tác bảo tồn ở 3 khu vực chính, trong đó có 2 khu được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đo Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và khu rừng đặc dụng Hoa Lư.

Vietnam+