Ngày 22/9, Dự án “Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (Dự án EU-ESRT do Liên minh Châu Âu tài trợ) đã bàn giao kết quả kĩ thuật để phát triển du lịch có trách nhiệm tại ba tỉnh An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang.
|
Du lịch về miền Tây miệt vườn, sông nước luôn thu hút du khách trong và ngoài nước (ảnh do Lienbangtravel cung cấp) |
Phát biểu tại buổi họp, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2016, được sự tài trợ của Liên minh Châu Âu và sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục đã tích cực triển khai dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là dự án EU). Thông qua một loạt hoạt động của dự án, các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm đã được đưa vào thực tiễn phát triển của Du lịch Việt Nam. Hiện nay, du lịch có trách nhiệm sẽ là con đường để đạt được sự phát triển bền vững. Du lịch có trách nhiệm hướng tới mục tiêu cung cấp những kinh nghiệm tích cực cho du khách và cộng đồng dân cư địa phương, nâng cao nhận thức về sự tôn trọng đối với môi trường và văn hóa, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ phát triển du lịch, hướng sự tập trung tới người nghèo, trao quyền cho người dân địa phương, thông qua du lịch để tối đa hóa thu nhập và việc làm cho họ.
“Hoạt động của Dự án EU trong thời gian qua đã tập trung để cụ thể hóa mô hình hợp tác liên kết phát triển du lịch của 3 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững. Kết quả thành công tại 3 địa phương này sẽ là một trong những ví dụ tốt về mô hình quản lý điểm đến liên tỉnh nhằm đạt hiệu quả cao và đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam”, vị đại diện này cho biết thêm.
Theo đó, các kết quả kỹ thuật đạt được tập trung xoay quanh bốn lĩnh vực như: Đẩy mạnh công tác quản lý điểm đến tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển sản phẩm; Tiếp thị sản phẩm và Phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Tại phiên họp, đại diện ban quản lý dự án EU-ESRT đã bàn giao tổng cộng 21 bộ tài liệu kỹ thuật cho ba địa phương để các địa phương có thể áp dụng trong công tác quản lý, phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm trong thời gian tới.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được dự án quan tâm hỗ trợ để hình thành một tổ chức quản lý điểm đến mang tính khu vực với mô hình gồm các ban điều phối du lịch của từng địa phương, trong đó thành lập các tổ công tác chuyên biệt cho từng lĩnh vực. Trong thời gian qua, mô hình này phát huy hiệu quả hoạt động nhờ dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Về vấn đề phát triển sản phẩm, dự án EU-ESRT đã hỗ trợ vùng xây dựng chiến lược quản lý điểm đến du lịch cùng với việc ưu tiên và liên kết sản phẩm du lịch nhằm kiện toàn các sản phẩm mà điểm đến có thể cung cấp cho du khách. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp phát triển du lịch cộng đồng nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương thông qua việc hỗ trợ hoạt động của nhà văn hóa tại An Giang và Cần Thơ.
Với sự hỗ trợ của dự án EU-ESRT, ba địa phương đã tăng cường công tác tiếp thị sản phẩm du lịch thông qua việc tham gia vào các hội chợ du lịch, xây dựng được bản đồ tuyến điểm du lịch, Bộ quy tắc ứng xử du lịch có trách nhiệm của khu vực (bao gồm cả bộ quy tắc ứng xử cho khu vực Núi Cấm, An Giang). Đồng thời, dự án cũng tư vấn đánh giá phim quảng bá điểm đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và hỗ trợ xây dựng các kế hoạch hoạt động marketing năm 2017 và kế hoạch xây dựng trang web quảng bá điểm đến cho ba địa phương.
Về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch, dự án EU-ESRT đã xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2016 - 2020 với các chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các đối tượng từ cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương đến các cơ sở đào tạo du lịch. Ngoài ra, cùng với việc hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS), dự án đã phổ biến Bộ tiêu chuẩn này trong khu vực bằng các khóa tập huấn và các hoạt động tư vấn cho các trường đào tạo du lịch.
Ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự án EU-ESRT cũng hỗ trợ một số khu vực trọng điểm du lịch bao gồm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, 3 tỉnh duyên hải miền Trung và 4 tỉnh Bắc miền Trung. Theo mô hình tổ chức quản lý điểm đến mà dự án triển khai, các bên liên quan trong khu vực nhà nước và tư nhân được kết nối, tham gia để thiết lập đối thoại công - tư ở cấp độ điểm đến và tăng cường khả năng cạnh tranh của du lịch.