Thưởng thức ca trù trong lòng Hà Nội
Cập nhật: 27/04/2009
Ca trù là loại hình nghệ thuật bác học của Việt Nam đã có lịch sử gần 1000 năm gắn liền với Thăng Long - Hà Nội. Ca trù đã trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm, đã có lúc bị chìm vào quên lãng nhưng những năm trở lại đây loại hình nghệ thuật này đã và đang trở lại với công chúng và bước đầu được đón nhận.

Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật bác học của dân tộc vẫn đang đứng trước nguy cơ bị mất hẳn vì cho đến ngày hôm nay trong 99 thể cách của ca trù thì chúng ta chỉ còn giữ lại được 26 thể cách. Vì những lý do đó mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã gửi hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận Ca trù là văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Với mục đích chính là gìn giữ để phát triển ca trù và quảng bá nghệ thuật ca trù đến với công chúng trong cũng như ngoài nước, Trung tâm Văn hóa (TTVH) ca trù Thăng Long đã chính thức ra mắt ngày 3/4/2009. TTVH ca trù Thăng Long cũng là địa chỉ đầu tiên ở Việt Nam hiện nay tổ chức biểu diễn ca trù theo hình thức chuyên nghiệp.

Hiện nay Trung tâm biểu diễn những thể cách trong ca trù như:

- Hát múa dâng hương : Hát múa dâng hương là thể cách dùng trong hát thờ, thể cách này được dùng để hát múa tạ ơn trời đất, thánh thần trong những dịp lễ của dân tộc.

- Mưỡu nói Hồng Hồng - Tuyết Tuyết : Hồng Hồng - Tuyết Tuyết là bài hát nổi tiếng từ khi xuất hiện cho đến nay. Có thể người ta không thuộc hết cả bài nhưng không thể quên câu " Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoát có xa gì. Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu..." . Hồng Hồng - Tuyết Tuyết với lời thơ của tiến sĩ Dương Khuê đã thể hiện được đầy đủ mọi cung bậc tình cảm của con người.

- Gửi thư : Gửi thư là làn điệu tình tứ của ca trù, không ai biết làn điệu này có từ bao giờ chỉ biết rằng với những lời thơ chất chứa yêu thương Gửi thư là nỗi niềm tâm sự của một cô gái gửi tới người mình yêu. Nàng mong mỏi lời hẹn ước thửa gặp nhau sẽ không chỉ là giấc mộng.

- Hát ru cửa đình : Mỗi người Việt Nam từ nhỏ đã đều được nghe về tích Tiểu Kính Tâm. Tiểu Kính Tâm lấy chồng Thiện sĩ, nhổ râu chồng nên mang tiếng bội phu, bị tiếng oan nên phải đi tu. Vào đến chùa nàng vẫn không được yên, Kính Tâm lại thêm lần nữa bị tiếng oan. Oan tình không giải được nàng phải trầm mình xuống sông tự vẫn, nàng có để lại bức thư trần tình và nỗi oan xưa mới được giải...

- Hồ Tây : Hồ Tây với lời thơ Nguyễn Khuyến diễn tả cảnh thi nhân dạo chơi trên hồ bằng chiếc thuyền nan... Cảnh sắc của Hồ Tây, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, vẻ đẹp dịu dàng mà đằm thắm không thể quên đều được gửi gắm qua thể cách này...

- Hát múa bỏ bộ : Đây là điệu hát múa cổ xưa nhất đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 9 diễn tả cảnh sinh hoạt lao động rất đời thường của người dân Việt Nam xưa kia như : dệt cửi, xe tơ, mò cua, bắt ốc... Với những động tác múa hát diễn tả đúng cảnh lao động sinh hoạt đời thường, với trang phục Việt Nam xưa trong không gian của điệu hát múa này chúng ta như được quay ngược lại dòng thời gian trở về với quá khứ...

Ngoài những thể cách trên Trung tâm còn giới thiệu nhiều thể cách khác như : Thét Nhạc, Bắc Phản, Hỏi gió, Chí Nam nhi, Tỳ bà hành... và một phần vô cùng quan trọng đó là phần giới thiệu về cách thức biểu diễn ca trù cũng như giới thiệu về các nhạc cụ của ca trù.

Đến với TTVH ca trù Thăng Long Khách thăm quan sẽ được biết đến loại nhạc cụ độc nhất chỉ có ở Việt Nam là Đàn đáy, gọi là đàn đáy nhưng lại không có đáy. Thế nhưng vì sao đàn đáy lại vẫn có thể tạo ra những âm thanh kỳ diệu? Còn cách ém hơi làm sao mà hát lại không mở miệng, đào nương khi hát gần như mím môi nhưng tiếng phát ra vẫn rất rõ ràng? Một cỗ phách với cấu tạo đơn giản mà lại có nhiệm vụ cùng với đào nương tạo nên phần hồn của lời hát.

Một số thông tin cần biết:
- Tất cả các thể cách và các tiết mục biểu diễn đều có tờ rơi giới thiệu bằng tiếng Anh, Pháp, Việt.

- Trước giờ biểu diễn có hướng dẫn viên của Trung tâm giới thiệu với khách về ý nghĩa, văn hóa là lịch sử hình thành cũng như phát triển của ca trù trong 1000 năm qua bằng tiếng Anh, Pháp, Việt.

- Trong giờ diễn giới thiệu về cách thức biểu diễn và nhạc cụ ca trù bằng tiếng Anh, Pháp ,Việt.

- Thời gian biểu diễn : tất cả các ngày vào hồi 16h45 - 18h00 - 19h15 (Mỗi ca diễn 45 phút)
- Giá vé : 35.000 VNĐ.

- Trung tâm còn có không gian trưng bày thư pháp, tranh ảnh hiện vật và bán các sản phẩm truyền thống như: gốm Bát Tràng, gốm Chu đậu, sơn mài Hạ Thái, lụa Hà Đông, hàng trang sức bạc...

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ
Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long
- Địa điểm : 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội (trong khuôn viên bảo tàng Cách Mạng Việt Nam)
Tel: (84-4) 3935 1375 - 6655 4608
Fax : (84-4) 3935 1375
Email : thanglongcatrutheatre@gmail.com
Web: http://vietnamcatru.com/vietnam/?act=Home
http://thanglongcatrutheatre.com/vietnam/?act=Home
Trung tâm Thông tin du lịch