Chiều 07/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện thừa ủy quyền Thủ tướng đọc tờ trình dự thảo Luật Du lịch sửa đổi.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Việc xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành..., tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” (ảnh: Hà Giang)
Sửa cơ bản, toàn diện
Trên cơ sở mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, phạm vi sửa đổi Luật Du lịch lần này được xác định là cơ bản và toàn diện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, dự thảo có 10 Chương, 79 Điều, được bố cục theo hướng hợp lý hơn so với Luật du lịch hiện hành. Trong đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều.
Về các điều sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, đối tượng áp dụng, chính sách phát triển du lịch, hành vi bị nghiêm cấm tại Chương I cho hay, dự thảo đã bổ sung đối tượng áp dụng là tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động du lịch ở nước ngoài để làm rõ trách nhiệm, quyền lợi của khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành Việt Nam khi đi du lịch hoặc tổ chức đưa khách du lịch ra nước ngoài.
Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) cũng sắp xếp lại quy định về chính sách phát triển du lịch theo hướng cụ thể, đảm bảo khả thi, hiệu quả, tương thích với quy định của Luật đầu tư 2014; giao Chính phủ quy định rõ hơn về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Một số hành vi bị nghiêm cấm cũng được đưa vào dự thảo để ngăn ngừa, răn đe và có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch...
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch 2005 đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành Du lịch. Năm 2015, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 7,94 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỷ đồng; có 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với 355.000 buồng.
So với năm 2005 khi Luật Du lịch được ban hành, lượng khách du lịch quốc tế đã tăng hơn 2 lần, khách du lịch nội địa tăng gần 4 lần, tổng thu từ du lịch tăng hơn 11 lần, số lượng cơ sở lưu trú du lịch và số buồng tăng 3 lần...
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, quá trình triển khai Luật Du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch.
Đáng lưu ý, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần xác lập rõ vai trò trung tâm, động lực của doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, những yếu tố cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động cần được loại bỏ, tạo hành lang pháp lý thực sự thông thoáng để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước xây dựng thể chế, chính sách, môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh...
“Việc xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) nhằm đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng bộ với các bộ luật, luật mới được ban hành..., tạo cơ sở pháp lý nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Huy động mọi nguồn lực, đầu tư để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch 2005, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho hay, Ủy ban thống nhất với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật: “Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để đảm bảo du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban cũng cho rằng, chính sách phát triển du lịch còn chung chung. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định pháp luật liên quan về ưu đãi đầu tư (theo Luật đầu tư 2014), về doanh nghiệp (theo Luật doanh nghiệp 2014); đồng thời nghiên cứu chi tiết hóa các chính sách phát triển du lịch, huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch; lồng ghép phát triển du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch.
Ủy ban cũng thống nhất với chủ trương thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và đề nghị đặt tên là Quỹ xúc tiến du lịch để tập trung vào mục đích chính của Quỹ: quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể nguồn thu, chủ thể quản lý, nguyên tắc, cơ chế điều hành Quỹ để tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ trong việc hướng dẫn thực hiện, đảm bảo tính khả thi của điều luật
Về các loại hình kinh doanh lữ hành, báo cáo thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo phân chia kinh doanh lữ hành thành 3 loại: đón khách vào (inbound), đưa khách ra (outbound), du lịch nội địa (domestic) và có những quy định phù hợp với đặc thù của từng loại nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, bổ sung thêm các điều kiện đặc thù của dịch vụ lữ hành, như điều kiện liên quan đến nhân lực (trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh lữ hành; số lượng hướng dẫn viên cơ hữu).
Một vấn đề nóng thời gian qua của ngành du lịch là hướng dẫn viên, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho hay, Ban soạn thảo nghiên cứu lại tên gọi hướng dẫn viên theo chương trình cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra cần phân loại hướng dẫn viên theo chương trình du lịch thành hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế để đảm bảo tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng đối tượng khách du lịch; phân loại hướng dẫn viên theo bậc chuyên môn...
Ủy ban cũng đề nghị các nội dung về cơ sở lưu trú, về kinh doanh dịch vụ du lịch khác, xúc tiến du lịch, quản lý nhà nước về du lịch, hội về du lịch... và các nội dung khác.
Được biết, sáng mai, 8/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự luật này./.
Song Đào